Chuyên mục
Cơn tức giận khó kiểm soát không chỉ gây rạn nứt trong mối quan hệ với người xung quanh mà còn là căn nguyên dẫn đến những tổn thương cho chính bản thân mình. Hãy cùng Thehegen tìm hiểu chi tiết hơn thông qua nội dung dưới đây.
Cuộc sống mỗi ngày không phải lúc nào cũng diễn ra thuận lợi. Đôi khi, một vài tình huống xảy đến khiến bạn gia tăng áp lực, căng thẳng và bộc phát cơn tức giận. Nếu không có biện pháp kiểm soát và duy trì sự bình tĩnh, bạn có nguy cơ mắc những bệnh lý nguy hiểm sau:
Chức năng gan suy giảm
Khi bạn tức giận, cơ thể sẽ tự động sản sinh ra catecholamine. Đây là một nội tiết tố được tiết ra từ tuyến thượng thận và mô thần kinh ở não với mục đích đáp ứng lại cơn kích thích (tức giận, stress, lo âu…). Khi đó, lượng đường huyết trong cơ thể sẽ gia tăng đáng kể tạo điều kiện thuận lợi cho acid béo và các độc tố gây hại cho gan tích lũy không ngừng. Hiệu suất thanh lọc độc tố của gan sẽ suy giảm dần dần theo sự xuất hiện của các cơn nóng giận.
Theo đó, những biểu hiện ra ngoại hình (da) do suy yếu chức năng gan là yếu tố cảnh báo bạn về mối nguy hại tiềm ẩn này. Bạn có thể nhận thấy da sạm màu, mụn xuất hiện nhiều và lỗ chân lông to hơn, da dễ tiết nhiều dầu hơn. Mặt khác, khi cảm xúc tức giận dâng trào, bạn thường có xu hướng nhăn mặt, đây là tiền đề cho những nếp nhăn xuất hiện ở vùng trán, đuôi mắt và khóe miệng.
Não bộ nhanh chóng lão hóa do tức giận
Các nghiên cứu khoa học cũng thống kê được rằng, trong vòng 2 giờ sau khi cơn tức giận bùng phát, nguy cơ xảy ra đột quỵ do nhồi máu não sẽ tăng lên gấp 3 lần so với bình thường. Nguyên nhân do hình thành máu đông ở não hoặc xuất huyết não. Mặt khác, áp lực từ huyết dịch đổ vào não sẽ cạnh tranh với oxy dẫn đến sự thiếu hụt oxy ở não.
Dạ dày bị tổn thương
Cảm giác nóng giận thúc đẩy sự kích thích lên thần kinh giao cảm. Điều này tác động trực tiếp đến tim và mạch máu khiến lưu lượng máu đổ về dạ dày lẫn ruột. Từ đó, nhu động ruột bị ảnh hưởng theo hướng suy giảm đáng kể, bạn dễ mắc các bệnh viêm loét dạ dày hoặc viêm ruột.
Phổi suy yếu
Thực tế, cơ thể tiêu thụ nhiều oxy hơn bình thường khi cơ thể tức giận bắt buộc phổi phải hoạt động với hiệu suất cao hơn bình thường. Cụ thể hơn, phổi phải tăng cường khuếch trương và rút ngắn thời gian co-trương liên tục. Điều này dẫn đến mất khả năng điều hòa cùng những tổn thương khó phục hồi vì phổi phải hoạt động quá công suất trong thời gian dài.
Hệ thống miễn dịch tự nhiên của cơ thể suy yếu
Một nghiên cứu khoa học được thực hiện tại Đại học Harvard (Mỹ) chứng minh rằng, những người khỏe mạnh chỉ cần nhớ lại một sự kiện gây tức giận trong quá khứ sẽ gây ra hậu quả nồng độ kháng thể immunoglobulin A của cơ thể suy giảm rõ rệt. Thiếu hụt kháng thể này có thể gây ra các chứng viêm đường hô hấp (viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi, hen suyễn) hoặc nhiễm trùng mắt, tai,…
Mặt khác, nồng độ cortisol trong máu sẽ tăng lên khi bạn có xúc cảm tiêu cực. Nếu chất này tích tụ trong một thời gian dài, hệ miễn dịch của bạn sẽ nhanh chóng suy yếu và gần như rất dễ mắc các bệnh vặt.
Bệnh tim mạch
Tim được xem là cơ quan chịu tổn thất nặng nề khi cơ thể trải qua cảm xúc nóng giận. Tiến sĩ Chris Aiken, giảng viên tâm thần học lâm sàng tại Trường Y thuộc Đại học Wake Forest (Mỹ) cho rằng trong 2 giờ cảm xúc tức tối lấn át tâm trí, nguy cơ nhồi máu cơ tim sẽ gia tăng gần như gấp đôi. Đồng thời những người khó kiểm soát cơn giận có nguy cơ bệnh mạch vành cao hơn rất nhiều so với những người biết cách duy trì cảm xúc ổn định.
Béo phì
Theo các nghiên cứu lâm sàng, một trong các hệ lụy của việc khó kiềm chế cơn tức giận chính là béo phì. Thực tế, nguyên nhân chính được xác định là do adrenaline. Đây là một hormone được sản sinh tại tuyến thượng thận nhằm đáp ứng các tình huống căng thẳng hoặc bị đe dọa nghiêm trọng. Tuy nhiên, sau khi đã bình tĩnh trở lại, lượng adrenaline tụt giảm sẽ khiến não bộ “nghĩ” rằng bạn cần lập tức bổ sung năng lượng và hình thành cảm giác đói.
Mặt khác, khi lo lắng hoặc tức tối, bạn cũng có khả năng sẽ ăn uống vô độ và khó kiểm soát. Một số người bị ảnh hưởng giấc ngủ từ các cơn phẫn nộ có chiều hướng tăng cường bổ sung carbohydrate và đồ ngọt để có cảm giác bình tĩnh.
Rối loạn tâm lý
Nếu bạn có các yếu tố tiềm ẩn của rối loạn tâm lý, các phản ứng khi cơ thể trong cơn thịnh nộ dường như nghiêm trọng hơn. Một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Cognitive Behaviour Therapy (liệu pháp hành vi nhận thức) cho thấy rằng cảm xúc tức giận có khả năng làm trầm trọng hơn các triệu chứng của bệnh lý rối loạn lo âu lan tỏa (Generalized Anxiety Disorder – GAD).
Đọc thêm bài viết: Hé lộ bí mật về các loại bệnh tâm lý bạn có thể gặp
Bệnh tuyến giáp
Trung tâm điều hòa nội tiết của cơ thể cũng chịu ảnh hưởng nặng nề khi cơ thể bùng phát các cơn thịnh nộ. Cụ thể hơn, hoạt động sản sinh hormone xảy ra sai sót dẫn đến dư thừa hormone tuyến giáp. Bạn sẽ dễ mắc các bệnh cường giáp nếu tình trạng này kéo dài.
Rối loạn kinh nguyệt
Các cơn stress, tức giận ảnh hưởng đến tâm lý và nồng độ các hormone trong cơ thể. Một trong các hậu quả phổ biến ở chị em phụ nữ là rối loạn kinh nguyệt, chu kỳ trở nên bất thường, lượng máu giảm hoặc có màu sắc lạ. Ở một số người, tình trạng có thể nặng nề hơn như vô kinh (không có kỳ kinh nguyệt) hoặc dấu hiệu tiền mãn kinh xảy ra sớm.
Đọc thêm bài viết: Phương pháp an toàn để giải tỏa stress là gì?
Trong cuộc sống xô bồ, đôi khi những cơn tức giận xảy đến là điều không thể tránh khỏi. Bạn cần nỗ lực xây dựng một trạng thái tinh thần tích cực nhằm hạn chế các tác hại gây ra do cảm xúc phẫn nộ lấn át lý trí. Điều này không những giúp củng cố các mối quan hệ thân thiết và xã hội mà còn góp phần duy trì một sức khỏe tốt đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống. Thông qua bài viết này, Thehegen đã chia sẻ các tác hại nguy hiểm từ cảm xúc tiêu cực, bạn hãy theo dõi các nội dung khác được đăng tải để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp mỗi ngày nhé!