Chuyên mục
Căn phòng không to là mấy, nhưng tôi cảm giác ông đang trơ trọi và lạc lõng đến nhường nào. “Trầm cảm” dường như đã trở nên quá quen thuộc trong những câu chuyện người ta đề cập đến cho thật nhiều sự ra đi đột ngột ở thời hiện đại, mà bàng hoàng hơn khi đại đa số lại xuất phát từ những con người với tuổi đời còn rất trẻ.
Người ta viết rất nhiều về “trầm cảm”, định nghĩa nó bằng những khái niệm từ tổng quát đến chi tiết, dễ dàng thấy được bằng cách gõ một dòng chữ và thực hiện cú nhấn chuột vào phần tìm kiếm trên không gian mạng. Nhưng người ta không làm sao có thể hiểu hết về cái được cho là một hội chứng tâm lý, nuốt chửng con người và sự sống vào hố đen sâu thẳm trong lòng đại dương. Giữa họ – những con người đang rơi vào tuyệt vọng – và chúng ta – những con người chưa bước đến ngưỡng, rõ ràng đang cất lên thứ vốn dĩ là âm thanh nhưng tựa như các thứ ngôn ngữ lạ lẫm, và không cách nào có thể giao tiếp được với nhau.
Nếu biết nỗ lực thay vì viện cớ thì bạn đã sớm thành công
Thỉnh thoảng ta bắt gặp được tiêu đề của một bài báo về sự kết thúc cuộc sống của diễn viên A, ca sĩ B, người của công chúng C,… với lý do xuất phát từ căn bệnh trầm cảm. Dù trước đó, họ còn tổ chức một cuộc họp báo, trình diễn trên sân khấu với nụ cười thật rạng rỡ hay khuyên mọi người rằng hãy tích cực và yêu đời lên. Những tin tức đó loáng thoáng vụt qua tầm mắt ta, cũng nhanh như cách ta lướt ngón tay xuống những hình ảnh và tin tức khác hấp dẫn hơn. Chỉ đến khi ta nghe thấy cũng nội dung ấy, lần này là từ người mà ta quen biết, người bạn lâu năm, người thân trong gia đình, hay chính người hàng ngày ở kề bên ta. Ta mới bàng hoàng và ngỡ ngàng hơn bao giờ hết. Lý do nào khiến họ phải lựa chọn như vậy? Cuộc sống có khốn khó mấy rồi cũng sẽ vượt qua hết mà, có phải không?
Tìm đến cái ch.ết là sự thất bại đầy thảm hại – tôi đã nghĩ như thế. Cũng chính suy nghĩ này, đã ngăn cản tôi làm những điều khờ dại, để đứng dậy sau vấp ngã và tiếp tục dấn thân về phía trước. Tôi chẳng phải là một kẻ ngoan cường, chỉ là đứa trẻ cố chấp đi tìm ý nghĩa cho sự tồn tại của chính mình. Và tôi cũng đã từng coi thường những ai dại khờ, ích kỷ chọn cách thức giải thoát cho bản thân nhưng mang lại khổ đau cho bao người thương yêu còn ở lại.
Từ stress đến trầm cảm – Đừng chủ quan!
Thời gian kỳ diệu đã khiến tôi thay đổi. Trong những cuộc họp mặt bạn bè dạo gần đây, ngoài là dịp gặp gỡ chuyện trò như mọi khi, câu chuyện của vài người bạn khiến tôi sững sờ. Họ nói về việc đã từng tìm đến bác sĩ tâm lý để trị liệu, thậm chí đôi lúc ở hiện tại, họ vẫn phải nhờ cậy đến những viên thuốc để điều trị căn bệnh của thời đại – trầm cảm. Giật mình, tôi cảm giác được, những điều tưởng chừng không can hệ đến mình, nay đã thật gần. Và cũng có khi, chính nó cũng đang tiến đến sát kề bên cạnh để khi có cơ hội, nhấn chìm ta vào vùng nước tối tăm?!
Xã hội hiện đại cùng với nhịp sống cứ lao nhanh vun vút, và chúng ta – những con người trong số hàng vạn con người ở trên chuyến tàu ấy, cũng đang bị cuốn theo đó. “Áp lực” hiện diện như một người bạn tất yếu cần phải có của mỗi người. Nó đồng hành cùng ta đến công sở, tan ca trở về nhà, theo vào những cuộc họp mặt bạn bè và cả đôi ba phút giây ít ỏi ta tự dành cho bản thân. Ta sống cùng với nó như hình với bóng, ăn, ngủ, chơi đùa, tuyệt vọng,… Bởi lẽ, ai cũng cho rằng, phải có áp lực, con người ta mới tiến lên được phía trước. Người khác có thể chịu đựng và vượt qua được để thành công, tại sao ta lại không? Có chăng ta dần đánh đồng “áp lực” chính là “động lực” của cuộc sống?!
Trong hồ sơ ứng tuyển vào bất kỳ vị trí công việc nào, ta luôn kèm thêm một dòng mô tả bản thân: “Có khả năng chịu đựng áp lực công việc”. Và ta tin chắc rằng đó là một lẽ dĩ nhiên đối với tất cả người lao động. Trải qua công việc thứ nhất, thứ hai, thứ ba… ta cảm thấy dòng mực ấy đang dần dà nhòe nhoẹt trong suy nghĩ của mình. Việc cần xử lý đến liên tục, thậm chí dồn dập, tự mình tăng thêm giờ làm hòng kịp thời hạn xử lý. Ngày nối ngày cứ thế lặp đi lặp lại như một vòng xoay luẩn quẩn, so sánh với thành quả của người khác, khiến ta tự hoài nghi về năng lực làm việc của bản thân.
Chuyện không chỉ dừng ở đó. Kết thúc ngày làm việc tưởng như dài đằng đẵng, ta trở về nhà gần như cạn kiệt năng lượng, chỉ mong được thả mình lên chiếc giường êm ái đánh một giấc thật say. Nhưng không, sau cánh cửa quen thuộc là biết bao công việc không tên khác, là đám trẻ nhảy nhót tưng bừng chờ được cho ăn, dạy học và chơi đùa với chúng, là người bạn đời cần được quan tâm hỏi han chuyện trò,…và còn là ti tỉ thứ khác ghìm chân bạn thật xa khỏi không gian bạn cần để “sạc pin” lại cho bản thân mình.
Không thể kể hết được tất cả những nguyên nhân xô ngã ta, dù rằng chúng mang sức nặng của một quả tạ hay chăng nhẹ bỗng như một hạt bụi. Không cách nào có thể biết và có thể hiểu được trong sự tĩnh lặng thênh thang bao trùm bởi cảm giác lo lắng, bất an, nỗi sợ hãi và sự phủ nhận. Không ai muốn mình trở thành một bệnh nhân. Càng trốn tránh, càng có cảm giác những ánh mắt vẫn đang dõi theo và lời nói đang bàn luận dường như đang nhắc đến tên mình. Sự soi xét vô hình của xã hội về hội chứng tâm lý này lại càng vô tình khiến nó trở nên phổ biến trong thầm lặng.
Winston Churchill – Cựu thủ tướng Anh đã từng phát biểu: “I’ve got a black dog on my back” (Tôi có một chú chó đen ngồi trên lưng của mình). Hình ảnh ẩn dụ ấy có thể xem là sự hiện diện lần đầu để ám chỉ rằng căn bệnh trầm cảm này luôn tìm cách đè xuống tất cả những ai đang trải qua nó và không bao giờ rời xa giống như một chú chó.
“Ngừng làm đàn ông” – Khi sự nam tính phá huỷ cảm xúc
Trong đoạn video do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kết hợp với nhà văn kiêm họa sĩ vẽ tranh minh họa – Matthew Johnstone mang tên “I have a black dog, his name is depression” (Tôi có một con chó đen, tên nó là trầm cảm). Câu chuyện sống cùng “con chó đen trầm cảm” đã phác họa chi tiết hơn về hội chứng tâm lý này cũng như một số cách thức chữa lành để trải qua và thoát khỏi những cơn sóng trầm cảm. Có một “con chó đen” bên mình, không phải là một điều đáng xấu hổ và không cần phải sợ hãi. Trong đoạn video clip, tác giả cũng nhận định rằng chỉ khi thành thật với cảm xúc của bản thân sẽ giúp ta có thể chấp nhận sự thật rằng: chính mình đang rơi vào cơn trầm cảm.
Không nên quá cố gắng kiểm soát mọi thứ ngay từ những bước đầu tiên. Thay vào đó, bạn cần kiên nhẫn học cách để sống cùng với chú chó ấy và thực hành nhiều bài tập nhằm dạy dỗ “nó” trở nên ngoan ngoãn hơn. Đối diện với những thời điểm bất an, sợ hãi, tiêu cực trong sự tĩnh lặng của tâm trí cũng là một cách để xoa dịu cơn cảm xúc dâng trào đang cố nhấn chìm bạn. Để cơn sóng đến, rồi nó sẽ tự rời đi.
Điều quan trọng thứ hai là luôn luôn giữ cho mình một niềm tin vào những điều tốt lành của cuộc sống, gieo những hạt giống niềm vui nho nhỏ và chăm sóc chúng mỗi ngày. Nuôi dưỡng phần tốt đẹp còn sót lại trong tâm hồn mình để từng tế bào khỏe mạnh ấy có thể lớn mạnh hơn, nhân rộng và lan tỏa khắp cơ thể, chữa lành cho mọi tổn thương tâm lý đã qua.
Khi sự tàn nhẫn với cảm xúc tạo ra nguy cơ tiềm ẩn
Tiếp nữa và thật sự cần thiết, hãy nói ra khi bạn cần sự giúp đỡ. Đây không chỉ là đặc ân cho chính bạn, mà còn là cơ hội cho những người thân thương được là một phần trong sự chữa lành của tất cả. Khi giữa con người có sự gắn kết nhất định, chúng ta sẽ dễ dàng chia sẻ nhiều hơn về những điều thầm kín được giấu kín trong tâm hồn. Những lời khuyên có lẽ không giúp là mấy trong hoàn cảnh của bạn lúc này, nhưng ít ra vẫn sẽ có cách nào đó kéo bạn trở về với thế giới của chúng ta. Bạn nên hiểu rằng, chẳng có sự khổ đau nào dằn vặt và day dứt hơn việc ta biết người mà ta yêu mến rơi vào trầm cảm cùng lúc với tin báo về sự ra đi đột ngột của họ. Hãy nói, dù muộn còn hơn là không thể.