Chuyên mục
Tiền bạc không chỉ ảnh hưởng đến tài chính mà còn tác động sâu sắc vào tâm lý của chúng ta. Việc hiểu rõ tâm lý tiêu thụ và mối quan hệ của nó với tiền bạc có thể giúp chúng ta đưa ra quyết định tài chính thông minh hơn, quản lý cảm xúc và thể hiện giá trị cá nhân.
Tâm lý tiêu thụ được xem là cách con người sử dụng tiền để thể hiện bản thân và đáp ứng nhu cầu tinh thần. Đơn cử như việc mua sắm hoặc ăn uống để giải tỏa căng thẳng sau một ngày làm việc mệt mỏi. Mình thường nghĩ rằng đi làm đã rất mệt mỏi, vì vậy, mình hầu như không tiếc khi mua sắm cho gia đình, bản thân hoặc trải nghiệm những dịch vụ hiện đại để bù đắp cho chuỗi ngày căng thẳng. Thực tế, tâm lý con người có thể thúc đẩy họ mua sắm không cân nhắc để tạo ra cảm giác an ủi hay thể hiện giá trị cá nhân thông qua những gì mình khoác lên người.
Đọc thêm bài viết: RETAIL THERAPY – “Trị liệu” tâm lý bằng việc mua sắm
Tiền có thể là yếu tố chi phối nhiều cảm xúc khác biệt. Cụ thể, người ta tận hưởng niềm vui khi tiền đầy túi nhưng cũng có thể đau đáu nỗi lo sợ và hối hận về những lựa chọn tài chính sai lầm trong quá khứ. Tiền thường gắn với cảm xúc như tự hào, sự đánh giá xã hội và sự lo lắng về tương lai. Bạn có thể suy xét đến trường hợp những người có thu nhập thấp hoặc nợ xấu thường không thoát ra khỏi sự cám dỗ từ đồng tiền may rủi. Họ cờ bạc và có thói quen mua vé số. Đây dường như là phương án duy nhất cứu cánh họ khỏi hiện trạng khó khăn trước mắt mà cho dù có cố gắng gấp bao nhiêu lần cũng khó có thể xoay chuyển tình thế.
Chúng ta với cương vị là người ngoài lãnh đạm nhìn vào sẽ nghĩ rằng đó là việc làm nông cạn, nhưng thực tế, hoàn cảnh giáo dưỡng lẫn tình hình kinh tế mỗi người hoàn toàn không giống nhau. Nếu bạn đứng trên tâm thế và góc nhìn của họ thì chưa chắc bạn sẽ hành động khác. Điều này dẫn đến việc quyết định tài chính thường không căn cứ vào lý trí mà thay vào đó là dựa trên cảm xúc.
Mặt khác, xã hội và quảng cáo dường như có vai trò quan trọng trong cách chúng ta tiêu tiền. Họ tạo ra áp lực mua sắm thông qua việc quảng cáo sản phẩm, dịch vụ và phong cách sống. Xã hội thường đặt ra những kỳ vọng về thành công về mặt tài chính và vật chất, dẫn đến áp lực tâm lý tiêu thụ và mua sắm không cần nhìn giá. Đôi khi, bạn mua một chiếc túi đắt tiền không phải vì giá trị câu chuyện đằng sau thương hiệu hoặc kiểu dáng yêu thích từ lâu mà bạn hy vọng người khác sẽ nhìn thấy và trầm trồ về lối sống sang trọng của bạn. Tuy nhiên, đa phần người khác thường có xu hướng hình dung bản thân trông sẽ xinh đẹp thế nào khi mang chiếc túi ấy thay vì dành thời gian ngợi khen bạn.
Để quản lý tâm lý tiêu thụ, trước hết, chúng ta cần hiểu rõ cách tiền ảnh hưởng đến cảm xúc và quyết định tài chính của chúng ta. Bạn có thể thực hành kiểm soát tiền, đặt ngân sách và tập trung vào những mục tiêu tài chính. Quá trình này giúp chúng ta tự đặt ra câu hỏi trước khi mua sắm, như liệu món đồ hay dịch vụ này có thực sự đem lại hạnh phúc hay không.
Như đã chia sẻ từ trước, mình cũng từng có quan niệm rằng làm việc nhiều để thoải mái mua sắm không nhìn giá. Song đôi khi, việc này lại khiến mình không kiểm soát được khi liên tục thanh toán những món hàng bản thân chưa thật sự cần. Đến một ngày nhìn lại thống kê chi tiêu cả tháng, mình mới giật thói và nhận ra rằng bản thân đã tiêu pha hoang phí đến mức nào. Chẳng may, số tiền tiêu xài trong lúc cao hứng lại vượt qua giới hạn chi trả thì mình lại phải nâng khối lượng công việc lên nhiều lần để bù lại. Khi công việc tăng, áp lực cũng sẽ tăng và mình sẽ lại không thoát khỏi vòng luẩn quẩn công việc – stress vì công việc – mua sắm xả stress – stress vì hao hụt tiền bạc – làm việc nhiều hơn.
Mặt khác, tâm lý học về tiền bạc cũng ảnh hưởng đến quyết định tài chính cá nhân. Hãy đặt câu hỏi về cách giá trị cá nhân của bạn ảnh hưởng đến việc quản lý nợ, đầu tư và tiết kiệm. Điều này giúp chúng ta đảm bảo rằng quyết định tài chính cá nhân phản ánh giá trị và mục tiêu của chúng ta thay vì những thứ hào nhoáng bên ngoài.
Mình bắt đầu với việc xác định những thứ mình cần thay vì liên tục thêm vào giỏ hàng những thứ mình muốn nhưng không thật sự hữu ích cho cuộc sống. Bên cạnh đó, mình đọc thêm nhiều sách về hướng dẫn quản lý dòng tiền và thực hành thường xuyên. Việc lập kế hoạch chi tiết luôn khiến mình cảm thấy có động lực và yên tâm thay vì cứ mãi mù mờ khi nhìn về tương lai. Hiện tại, mình không còn sống theo kiểu tính theo từng ngày mà đang sống cho mình cả ở những năm tương lai.
Đọc thêm bài viết: Cách lập kế hoạch phát triển bản thân để tối ưu thành công
Nhìn chung, tiền và tâm lý tiêu thụ có mối quan hệ sâu sắc và phức tạp. Việc hiểu rõ cách tâm lý tiêu thụ tác động lên quá trình chúng ta quản lý tiền bạc là bước quan trọng để đảm bảo sự cân bằng trong cuộc sống thường nhật. Hãy nghĩ rằng tiền bạc có thể là thứ giúp bạn hạnh phúc nhưng nó không thể hoàn toàn chi phối giá trị cá nhân của mỗi người.