Chuyên mục
Trong cuộc sống, ai trong chúng ta cũng đã từng trải qua việc để cảm xúc lấn át lý trí và hành động theo bản năng. Đôi khi, việc đó có thể chưa đúng nhưng hầu như chúng ta rất khó khống chế. Thực tế, ta có thể lý giải điều này thông qua lăng kính tâm lý học hành vi.
Hàng ngàn câu hỏi tựa như vì sao chúng ta lại hành động thế này mà không phải là thế kia đã đặt nền móng cho lĩnh vực tâm lý học trong việc khai phá và tìm ra nguyên nhân các thói quen, hành vi của con người. Những quan điểm dựa trên điều này được gọi là tâm lý học hành vi.
Nói cách khác, tâm lý học hành vi là những nghiên cứu, học thuyết về mối tương quan giữa tâm trí và hành động của con người. Trong đó, hành động là một hệ thống có thể được học tập và quan sát rõ ràng từ bên ngoài. Ngược lại, lý trí là một hệ thống thuộc về thế giới nội tâm của con người như tư duy, tư tưởng, cảm xúc, suy nghĩ. Trên cơ bản, con người thường quan sát và phán đoán dựa trên hành vi bên ngoài, còn những yếu tố bên trong như cảm xúc hay suy nghĩ thường khó có thể nắm bắt.
Cảm tính đóng vai trò quan trọng trong quá trình ra quyết định và hành động của con người. Cảm tính là khả năng cảm nhận, phản ứng đối với tình huống một cách nhanh chóng và thường xảy ra mà không cần suy nghĩ sâu sắc. Ví dụ, khi gặp một tình huống nguy hiểm, bạn có thể tự động phản ứng bằng cách chạy trốn hoặc tự bảo vệ mình. Tuy nhiên ví dụ này chỉ là một trường hợp cơ bản, trong cuộc sống, nhiều tình huống xảy đến khiến bạn bộc lộ cảm tính, cảm xúc một cách thái quá dẫn đến đánh mất lý trí và hành động một cách bất chấp. Việc này không những ảnh hưởng đến bản thân và còn tác động xấu đến sợi dây liên kết giữa bạn và xã hội.
Đọc thêm bài viết: Mình đã từng bị “kẻ suy nghĩ nhiều” điều khiển cuộc đời
Trước đây, mình thường không điều khiển được cảm xúc tiêu cực khi cơ thể rơi vào căng thẳng. Những lúc ấy mình như biến thành một con người khác với thái độ cáu gắt, tâm trí căng như dây đàn và đương nhiên công việc thì vẫn trì trệ. Qua thời gian đó mình sẽ trở lại bình thường nhưng có những thứ đã xảy ra thì cho dù bạn có cố gắng thế nào, nó vẫn mãi là vết nứt không phục hồi được. Đồng nghiệp dần dần không ai muốn teamwork với mình, bạn bè cũng không thích tiếp xúc với mình vào những thời gian mình stress. Vì vậy, mình stress lại càng stress khi chỉ có mỗi mình mình vần vũ với những cảm xúc tiêu cực. Và tất nhiên, việc hành động theo cảm tính vẫn là điều chưa thể dừng lại. Thực tế, chúng ta có thể giải thích lý do cảm xúc chi phối hành động con người thông qua 2 góc độ chính: cơ sở tiến hóa và cơ sở tâm lý học.
Đọc thêm bài viết: Từ stress đến trầm cảm – Đừng chủ quan!
Đầu tiên, đó là cơ sở tiến hóa. Lý thuyết tiến hóa giả định rằng cảm tính đã phát triển qua hàng triệu năm tiến hóa để giúp con người tồn tại và truyền đạt gen cho thế hệ tiếp theo. Cảm tính là một cơ chế tự nhiên giúp con người đối mặt với nguy cơ và tìm cách bảo vệ bản thân. Bên cạnh đó, cảm tính thường liên quan đến những hành động có lợi ích ngắn hạn giúp con người giải quyết ngay lập tức các tình huống khẩn cấp. Theo cơ sở này, cảm tính cũng cho phép con người thích nghi nhanh chóng với môi trường thay đổi đột ngột.
Một ví dụ cụ thể đến từ giả sử trong quá khứ, người tiền sử thường gặp nguy cơ từ dã thú trong môi trường hoang dã. Những người có khả năng phản ứng nhanh chóng và chạy trốn khi gặp thú dữ đã sống sót và truyền gen quy định khả năng này cho thế hệ tiếp theo. Do đó, cảm tính trốn chạy khi gặp mối đe dọa có thể là một kết quả của tiến hóa và giúp giảm nguy cơ bị tấn công.
Tiếp theo, cơ sở tâm lý học cũng là phần quan trọng trong việc giải thích cách tâm trí con người hoạt động và tại sao cảm tính đóng vai trò quan trọng trong hành vi. Hệ thống tư duy nhanh (system 1) và hệ thống tư duy chậm (system 2) là một phần của cơ sở tâm lý học mà Daniel Kahneman – nhà tâm lý và kinh tế học đã phát triển. Hệ thống tư duy nhanh là một hệ thống chủ động và thường hoạt động theo cảm tính. Nó giúp chúng ta đưa ra quyết định mà không cần nhiều thời gian suy nghĩ. Đây là nơi mà cảm tính thường xuất hiện. Nếu bạn gặp một tình huống đe dọa đột ngột, hệ thống tư duy nhanh sẽ kích hoạt để bạn có thể phản ứng một cách tức thì, giúp bạn đối phó với tình huống. Hệ thống này giúp con người phản ứng nhanh chóng và đưa ra quyết định khi cần thiết nhưng cũng có thể gây ra các sai lầm cảm tính nếu không kiểm soát cẩn thận.
Cảm xúc chi phối hành vi thông qua 2 cơ sở: tiến hóa và tâm lý học.
Vì vậy, dựa vào 2 góc nhìn tiến hóa và tâm lý học, chúng ta đã nhìn nhận được sự tương quan giữa cảm xúc và hành vi đồng thời nắm bắt được vì sao cảm tính có khả năng chi phối cách hành xử của con người. Qua đó, chúng ta có thể nỗ lực quản lý tốt cảm xúc để điều hướng hành vi tốt đẹp hơn.