Chuyên mục
Trải dài xuyên suốt mạch phim là quá trình theo đuổi định kiến và kỳ vọng của xã hội dẫn đến sự cô đơn và tàn phá tâm lý một con người. Bộ phim còn mang đến một góc nhìn khác dưới lăng kính của thế giới ái kỷ và thái nhân cách thông qua ngôn ngữ điện ảnh.
Bộ phim bắt đầu bằng đoạn tự bạch của Kim Mo Mi, hoặc có thể nói là khởi đầu bằng ước mơ của một bé gái. Từ nhỏ, cô bé đã có ước mơ trở thành một ngôi sao, em yêu thích biểu diễn, mơ tưởng đến những lời tán dương và khát khao sự chú ý từ tất cả mọi người. Có thể bạn sẽ nghĩ rằng cuộc đời đã quá bất công với bé gái ngày nào khi lớn lên, cô không được sự ưu ái từ vị thần sắc đẹp, dẫn đến việc bị bạn bè hạ nhục, các nam sinh xem thường, mẹ ruột xa lánh, ước mơ cũng vì thế mà trở nên viển vông. Nhưng nếu suy ngẫm theo một góc nhìn khác bằng những tình tiết được khéo léo đặc tả, bạn sẽ nhận ra tính cách có phần không được lành mạnh của cô ấy.
Từ cô bé với đôi mắt lấp lánh ước mơ ngày bé đến lúc trưởng thành với đôi tay nhúng chàm, dường như Kim Mo Mi đã tồn tại nhiều dấu hiệu của một kẻ mắc hội chứng ái kỷ ngầm. Cụ thể hơn, những biểu hiện ái kỷ xuất hiện với tần suất thấp và cực kỳ kín đáo như sống hướng nội, hay khó chịu, bực tức ngấm ngầm hoặc có tâm lý quá nhạy cảm. Một số tình huống trong phim còn cho thấy tính cách hay nghi ngờ và hay để bụng của Kim Mo Mi.
Kim Mo Mi luôn đòi hỏi nhận được sự tán dương và ngưỡng mộ từ tất cả mọi người xung quanh, cô xem sân khấu là nhà và bản thân mình là trung tâm của mọi đám đông. Mình có cảm giác cô gái này cần những thứ đó để tồn tại, thay vì để thỏa mãn sở thích như bao người khác. Đây là một yếu tố chủ chốt khiến mình nghĩ rằng Mask Girl là một cô gái có xu hướng ái kỷ.
Mặt khác, trong môi trường làm việc, mặc dù thừa nhận bản thân chỉ là một nhân viên văn phòng dưới vỏ bọc cam chịu, tự ti, nhưng đằng sau những ngộ nhận đó, cô gái Kim Mo Mi lại là nguồn cơn của mọi thị phi, kích động mâu thuẫn và vu khống đồng nghiệp. Những lời của cô chỉ bâng quơ là ám chỉ người này sửa mũi, người kia độn ngực, người nọ nâng mông nhưng sau tất cả, mọi thứ đang dần chứng minh Mask Girl là một cô gái xấu tính và luôn biết cách hướng mũi dùi dư luận vào những đối tượng xung quanh. Theo góc nhìn tâm lý học, đó là phương thức bôi nhọ danh dự (smear campaign) thường được những kẻ ái kỷ sử dụng để thỏa mãn sự tự phụ cá nhân.
Sau bi kịch của tình yêu đơn phương đồng thời rơi vào hố sâu của sự vỡ mộng khi đối phương không hề tử tế, cô dấn thân vào chuỗi rắc rối điên rồ và bạo lực do chính mình đạo diễn ngay sau đó. Thực tế, mình cho rằng hầu hết con người đều không nỡ hủy hoại cuộc đời của người mình yêu chỉ vì không thể chiếm hữu được họ.
Cuối cùng, hẳn bạn cũng nhận ra, nếu Kim Mo Mi an phận sống như một người bình thường thì mọi chuyện có thể đã có diễn biến khác. Nhưng điều cô chọn lại là sống với 2 mặt, 2 nhân cách, 2 con người trái ngược nhau. Biểu hiện của sự tự phụ dường như được bộc lộ rõ ràng qua lời tự bạch đầu phim, ví dụ như “muốn sống khác với những người khác, nhưng vẫn chỉ sống như bao người”. Song song đó, tư duy nạn nhân cũng được khắc họa rõ nét trong tính cách Mask Girl, cô cho rằng xã hội bất công và vùi dập tài năng của mình, vì sao một người hoàn hảo như cô lại phải chịu đựng sự xem thường mỗi ngày?
Đọc thêm bài viết: Tâm lý nạn nhân victim mentality – Tư duy lối mòn hạn hẹp
Thực tế, chính sự giáo dục sai lầm từ ngày bé đã góp phần tạo nên tính cách hướng nội, rụt rè của Kim Mo Mi khi trưởng thành. Song bạn cần nhận định rõ, sự hướng nội, rụt rè này hoàn toàn không xuất phát từ một tâm hồn thiện lương mà là một chiếc vỏ bọc hoàn hảo che giấu sự phẫn uất và khao khát trả đũa mãnh liệt. Kim Mo Mi chính thức nhúng chàm là khi tước đoạt mạng sống của người yêu thương cô thật lòng, cũng là người cản trở cô đến với ánh hào quang mà cô cho rằng xứng đáng thuộc về bản thân mình. Thông qua giai đoạn này, Kim Mo Mi đã hoàn toàn biến chuyển từ một kẻ ái kỷ ngầm thành một tên thái nhân cách máu lạnh, tàn bạo và bất chấp. Thay vì lựa chọn hoàn lương, Kim Mo Mi đã quyết tâm lội sâu vào vũng bùn tội ác khi liên tục thực hiện những hành vi phạm tội có chủ đích.
Dần dần, cô cũng chính thức tạo nên bánh xe vận mệnh nghiệt ngã đẩy chính con gái mình vào hoàn cảnh không cha không mẹ. Cô con gái nhỏ được nuôi dạy bởi người bà có dấu hiệu ái kỷ cầu toàn dẫn đến việc đánh mất tuổi thơ hồn nhiên trong sáng, phải lớn lên trong môi trường kỷ luật, hà khắc. Từ đó, cô gái nhỏ không có không gian định hình cái tôi lành mạnh và bị ám ảnh bởi những áp lực cầu toàn. Thế hệ của Kim Mo Mi đã lựa chọn sai lầm và vô tình hệ lụy này đã ảnh hưởng đau đớn đến đứa con gái duy nhất của cô ấy.
Đọc thêm bài viết: “Mother wound” – “vết thương của mẹ”, vết bớt xanh lưu dấu theo thời gian.
Bộ phim là lời dẫn dắt đầy nghệ thuật dưới góc nhìn của từng nhân vật khác nhau về ái kỷ, thái nhân cách và những người đồng phụ thuộc. Rốt cuộc, ai cũng là nạn nhân trong chính câu chuyện đời mình và không khó để thấy rằng, hậu quả này là do chính họ lựa chọn. Ai cũng có những sai lầm, quan trọng hơn hết là nhận thức được hành vi và lựa chọn con đường đúng đắn thay vì cứ mãi quẩn quanh trong vũng bùn tội lỗi.