Chuyên mục
Người luôn coi mình là nạn nhân không ngừng xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Đây chính là victim mentality, một khía cạnh phức tạp của tâm lý.
Có một khía cạnh tâm lý người ta thường gọi là victim mentality hoặc tư duy nạn nhân. Đó là tình trạng tinh thần thường xuyên cho rằng mình là nạn nhân của hoàn cảnh, xã hội hoặc người khác.
Victim mentality – nạn nhân của mọi tấn bi kịch
Khi con người bị bao phủ bởi màn sương mù victim mentality, họ thường không tự chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình. Thay vào đó, họ nói rằng mình không có cơ hội, không có lựa chọn và không thể thay đổi hoàn cảnh. Một khi họ đắm chìm trong vùng đất này, cuộc sống trở nên như một bản đồ đầy gai góc và mọi thất bại hoặc thậm chí cả sự thành công, đều được hiểu theo góc độ của nạn nhân. Điều này không chỉ làm hỏng cơ hội tận dụng tiềm năng cá nhân mà còn ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội và sự thăng tiến trong sự nghiệp.
Victim mentality là công cụ giăng bẫy những cảm xúc đồng cảm
Một khía cạnh đáng chú ý khác của victim mentality là có thể trở thành một công cụ bảo vệ tinh thần, một cái áo choàng che kín bộ mặt thật của chúng ta. Họ có thể dùng sự cảm thương từ người khác để đánh đổi sự quan tâm và sự chú ý. Tuy nhiên, điều này có thể tạo ra một trạng thái phụ thuộc không lành mạnh và dẫn đến sự cô đơn trong cuộc sống.
Trước đây mình từng thấy một cô bạn đồng nghiệp luôn tỏ ra yếu đuối, sức khỏe kém và hoàn cảnh gia đình khó khăn để lôi kéo sự thương hại từ mọi người. Khi đó, bạn ấy dễ dàng nhờ mọi người làm hộ công việc của mình và tung tăng về sớm. Thực tế trong cuộc sống, chúng ta thường muốn được người khác quan tâm và đồng cảm với mình. Tuy nhiên, một số người lại sử dụng victim mentality để thu hút sự quan tâm này. Họ thường xem mình là nạn nhân của hoàn cảnh và luôn kể về những khó khăn, bất hạnh mà họ gặp phải. Điều này thường dẫn đến sự đồng cảm từ người khác bởi chúng ta thường có tư duy lá lành đùm lá rách.
Việc hình thành tâm lý nạn nhân khiến một số người có xu hướng trốn tránh trách nhiệm trong cuộc sống và cho rằng mọi thứ đều xảy ra vì họ là nạn nhân. Tư duy này là lối mòn hạn hẹp gây ra sự phụ thuộc tinh thần trong mối quan hệ với người khác.
Đọc thêm bài viết: Những hậu quả khôn lường khi bạn sống quá cảm tính với suy nghĩ “sao cũng được”
Vòng xoáy hệ lụy của victim mentality
Một điều đặc biệt đáng tiếc là người mắc phải victim mentality thường không nhận ra rằng họ đang tự mình đặt ra những giới hạn cho bản thân. Họ thường tránh rủi ro và không chấp nhận thách thức vì tin rằng bản thân mình không đủ khả năng. Nhưng sự thật là, thành công thường đến với những người dám đối mặt với khó khăn và học hỏi từ những sai lầm.
Bạn có còn nhớ cô bạn đồng nghiệp mình vừa nhắc đến không? Trong mọi cuộc họp k hi được yêu cầu đảm nhiệm một trọng trách mới, bạn ấy thường từ chối quyết liệt với lý do rằng nhiệm vụ này quá khó và bạn không có khả năng gánh vác. Thế nhưng điều khiến mọi người ngạc nhiên chính là việc bạn thẳng thừng bác bỏ mọi công sức hỗ trợ của đồng nghiệp và cho rằng những việc ấy hoàn toàn chẳng giúp ích được gì.
Bên cạnh việc tạo ra sự phụ thuộc tinh thần, victim mentality còn có thể gây ra căng thẳng trong quan hệ. Người mắc tư duy này thường cảm thấy không được thỏa mãn hoặc không hài lòng với những gì người khác làm cho họ. Điều này có thể tạo ra sự xung đột và khiến mối quan hệ trở nên khó khăn hơn.
Cuối cùng, việc tồn tại tâm lý nạn nhân victim mentality cũng ảnh hưởng đến sự phát triển cá nhân. Người mắc tư duy này thường trốn tránh khỏi thách thức và khó khăn. Điều này vô tình là rào cản ngăn họ phát triển kỹ năng và đối mặt với cuộc sống thực tiễn. Thay vì thúc đẩy sự phát triển kỹ năng cá nhân, victim mentality thường khiến họ bỏ lỡ cơ hội để học hỏi và trưởng thành.
Tóm lại, tâm lý nạn nhân có thể tạo ra sự đồng cảm tạm thời từ người khác nhưng nó thường dẫn đến những hệ quả tiêu cực trong cuộc sống và những mối quan hệ. Thay vì sử dụng chiến thuật này để thu hút sự quan tâm, chúng ta nên khuyến khích nhau xây dựng tư duy tích cực, đối mặt với khó khăn một cách trưởng thành đồng thời chia sẻ tình cảm với người khác một cách chân thành và thấu hiểu.
Đọc thêm bài viết: Những cách tự nhìn nhận bản thân để bạn thay đổi
Victim mentality có thể trở thành một cơn ác mộng khiến cho cuộc sống của chúng ta bị rơi vào vòng xoáy của sự tự thất vọng và bất hạnh. Bằng việc nhận ra và thay đổi tư duy, chúng ta có thể xây dựng một cuộc sống tự quyết định, nắm bắt cơ hội và đạt được những thành tựu mà chúng ta mong muốn. Cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng nhưng nó đáng để sống và khám phá mọi khía cạnh của nó.