“Mother wound” – “vết thương của mẹ”, vết bớt xanh lưu dấu theo thời gian.

report

Mẹ, người mà ta nương tựa vào từ thuở chưa lọt lòng, kết nối với ta trước cả khoảnh khắc thành hình thành dạng. Từ mẹ, ta được phôi thai không chỉ bởi các đặc điểm sinh học, mà còn là những đoạn ký ức và kinh nghiệm từ rất nhiều thế hệ trước, bao gồm cả ký ức tổn thương.

Bạn tôi ơi xin hãy khoan lo sợ, hãy cùng nhau tìm hiểu và đưa ra giải pháp cho vấn đề này nhé. 

Hình ảnh người phụ nữ được tô điểm thật hoàn hảo đã vô tình tạo ra áp lực cho những cá thể nữ trong mọi giai đoạn của đời sống. 

Ngoại tôi là một phụ nữ kiên cường khi tự tay nuôi lớn bốn người con. Bà gánh vác cả gia đình từ những năm kháng chiến, qua giải phóng cho đến khi đất nước hoàn toàn bình ổn.

Ba trong số bốn người con, cũng đều thừa hưởng đức tính chịu thương chịu khó từ ngoại, là phụ nữ phải biết quán xuyến việc nhà, phải tỏ tường công – dung – ngôn – hạnh. Và ngoại quả thật đã dạy dỗ con gái mình rất giỏi.

Tôi thấy rõ điều đó ở sự cam chịu những vô lý và bất công của dì Hai, ở nét mặt tươi cười đon đả nhưng ẩn giấu trong lời nói đa nghĩa của dì Tư, ở những lễ nghi điều tiết trong mọi hành động cư xử của mẹ.

Sự áp đặt và lề thói của xã hội cứ ngấm ngầm len lỏi vào sâu trong tâm thức của chúng tôi, với mặt cắt vô hình, cứa từng vết nhẹ nhàng mà sắc lẹm vào nội tâm không có năng lực chống trả. 

Sinh ra với thân phận con gái, tôi đã chẳng thể nào tránh khỏi những lề thói cũ kỹ.  Sự dạy bảo từ bà và mẹ đã rèn giũa cá tính của tôi suốt thuở nhỏ và dai dẳng nhiều năm tháng sau đó. Tôi vẫn cứ tưởng chỉ vì sẽ trở thành phụ nữ vào một ngày nào đó trong tương lai, tôi mới bị bó buộc vào khuôn khổ của gia đình.

Nhưng càng sẻ chia một phần đời sống với người bạn đời, tôi mới nhận ra chính anh cũng là “nạn nhân di truyền” từ “vết thương của mẹ”. Gia đình truyền thống cố hữu với phương châm sống tôn ti thứ bậc phải được đặt lên hàng đầu.

Anh không có quyền được nói ra suy nghĩ của mình trước người lớn. Nếu làm như vậy sẽ bị cho là thiếu lễ phép. Ở cùng bà và mẹ, hai từ “trách nhiệm” và “cố gắng” là tảng đá đè nặng trong lòng anh mỗi lúc một lớn. 

Với anh và cả tôi thuở ấy, nhà là chiếc tổ nương náu tạm bợ cho những con chim non nớt, nung nấu quyết tâm bay thật xa một khi lông cánh vững vàng. Trong lúc chờ đợi cho đến giây phút ấy, cần phải giam giữ con người thật bên trong một chiếc hộp giấu kín sâu trong tâm hồn.  

Chúng tôi ở thì hiện tại, cũng luôn muốn con trai mình phải trở nên ngoan ngoãn và lễ phép với tất cả mọi người, muốn con học tập với thành tích tốt, muốn A muốn B và muốn rất rất nhiều thứ. Rồi tôi chợt sững người nhìn lại khi nghe con nói: “Sao mẹ cứ suốt ngày bắt con làm cái này cái nọ, con chỉ muốn là bé con yêu của mẹ thôi.”.

Phải chăng, tôi đang dùng quyền lực của đấng sinh thành để tiếp tục áp đặt cảm xúc tiêu cực lên con, kéo dài thứ đã vô thức bám lấy tất cả chúng ta qua nhiều kiếp sống.

Nhà viết kịch và tiểu thuyết gia người Scotland, James Matthew Barrie, đã tạo ra câu chuyện về những đứa trẻ đặc biệt. Cậu bé Peter Pan sống tại vùng đất Neverland, thích bay nhảy, tự do chơi đùa và không lúc nào biết buồn. Cô bé Wendy đến từ London, hay lo nghĩ, trong một dịp tình cờ đã khám phá ra chốn thần tiên cùng các em của mình.

Câu chuyện kể về những đứa trẻ thật đối lập nhau. Peter Pan sợ hãi thế giới của người lớn và chỉ muốn sống mãi trong thế giới trẻ thơ, không bao giờ trưởng thành.

Wendy, một cô gái có trách nhiệm, chăm sóc những đứa em của mình và khao khát trở thành một người phụ nữ trưởng thành. Một người hay lo lắng thái quá và luôn theo đuổi sự công nhận của người khác, còn một người không màng đến xã hội và trốn tránh trong thế giới riêng của mình.

Đây cũng là hình ảnh đại diện đặc trưng của hai biểu hiện tâm lý: Peter Pan syndrome (Hội chứng Peter Pan, được nhà tâm lý học Dan Kiley lần đầu tiên đề cập đến vào năm 1983, qua cuốn sách ”Hội chứng Peter Pan: Đàn ông chưa bao giờ trưởng thành”) và Wendy complex (tạm dịch là phức cảm Wendy). 

Những “lý do” bạn muốn trờ về nhà ngay lập tức

Vì sao tôi lại đề cập đến câu chuyện của Peter Pan và Wendy cũng như những biểu hiện tâm lý vừa nêu. Dường như càng tìm hiểu về “vết thương của mẹ”, tôi lại càng khám phá thêm rất nhiều yếu tố đan xen, thậm chí trùng lặp từ sự phức tạp của cơ chế tâm lý con người, mà ta không sao có thể hiểu hết.

Dù là những đứa trẻ được bao bọc quá mức, phụ thuộc về vật chất hay tinh thần từ người lớn (đặc biệt là từ người mẹ) mà không thể phát triển các kỹ năng cần thiết để đương đầu với cuộc sống. Hay bao gồm cả những đứa trẻ luôn cố chấp thuận với điều mình không mong muốn chỉ để tránh làm phiền hà đến người lớn.

Có lẽ đều khởi nguồn từ vô số tổn thương đến từ tiềm thức, nơi mà ý thức vốn không thể nhận biết. Và tôi ngờ rằng, đây cũng chỉ là số ít những hệ quả được tạo ra từ “vết thương của mẹ”. 

Một người luôn trốn tránh sự trưởng thành, sợ hãi trách nhiệm với gia đình và cuộc sống sẽ không thể nào tự coi trọng bản thân mình cũng như nhận được sự tôn trọng từ người khác. thiếu tự tin. Còn những người vốn luôn chạy theo cảm xúc của người khác để được công nhận và yêu thương, sẽ cảm thấy cuộc sống là vô nghĩa nếu như không nhận về kết quả xứng đáng. Hoặc bỏ qua đời sống, hoặc chấp nhận dồn nén.

Làm thế nào để chúng ta, những con người đang hiện diện quá nhiều vết bớt của sự tổn thương trong tâm hồn, có khả năng mang lại yêu thương và hạnh phúc cho người khác, nếu chính chúng ta không có được những điều ấy? 

Tôi biết có rất nhiều người trẻ lớn lên trong hoàn cảnh tương tự như tôi. Khi đa số dù vẫn luôn loay hoay để thoát ra khỏi gọng kìm của những hội chứng tâm lý đầy phức tạp, bằng cách này hay cách khác.

Thì một bộ phận lại chọn cách thả trôi để bản thân bị nuốt chửng trong lòng đại dương đen, không nhận thức được lý do vì sao chìm ngập trong đau khổ, không còn tin tưởng ở bản thân mình huống gì là người khác, thậm chí đánh mất hy vọng sống và đánh mất chính mình.

Họ rớt trong bài thi của cuộc đời và mãi nợ môn cho dù đã kéo dài hàng trăm khóa học. Vậy lý do là vì đâu?

Đây không phải là sự so sánh về khía cạnh vật chất mà một người mẹ có thể mang đến cho đứa con của mình.

Cơ thể đứa trẻ có thể phát triển nhờ vào không khí, thực phẩm nhưng tâm hồn chúng sẽ không được nuôi lớn nếu dưỡng chất “tình thương” không được cung cấp như bao thành phần thiết yếu khác.

Thực tế có rất nhiều bà mẹ, vì một lý do nào đó, đã không thể đáp ứng được nhu cầu này. Họ cũng là những người như đã nói ở trên, không vượt qua được bài thi của mình và mắc kẹt lại với những tổn thương sâu sắc trong tâm hồn.

Những con thiêu thân nhảy múa trong ánh sáng tình yêu

Do đó với họ, vai trò làm mẹ chỉ như một bản năng, còn trách nhiệm là thứ mà ngay từ lúc đầu họ cố gắng chối bỏ. Những người mẹ này hoặc sẽ coi con cái là vô hình và bỏ mặc, không một chút quan tâm lo lắng, hoặc sẽ xem như gánh nặng, bắt đầu đổ lỗi và trút lên sự hà khắc mà không cần biết đến nhu cầu vật chất lẫn tinh thần của con.

Đối lập với các bà mẹ nêu trên, là một bộ phận những người mẹ luôn luôn đáp ứng đầy đủ nhu cầu cần thiết để đứa trẻ có thể phát triển, thậm chí đôi khi họ còn hy sinh cả cuộc sống riêng của bản thân mình để chăm lo cho gia đình.

Vậy thì lý do nào những ký ức vẫn có thể len lỏi để gây ra tổn thương cho thế hệ tiếp nối. Chỉ có thể lý giải bởi một điều, đó là sự giới hạn của cảm xúc yêu thương mà họ đã trao gửi cho các con của mình.

Là do kỳ vọng quá lớn, hay thời gian quan tâm quá ít, mà mọi sự cố gắng của những đứa trẻ đều không được công nhận một cách xứng đáng. Hoặc giả tình yêu họ dành cho con cái nhiều hơn mức cần thiết, bởi lẽ họ đang cho rằng đó là cách để bù đắp lại những khiếm khuyết hiện diện trong tâm hồn họ. Nhưng chưa chắc cái họ cho rằng tốt lại thực tế mang lại sự phù hợp cho con cái của mình.

Như câu chuyện của tôi và mẹ. Mẹ vẫn rất yêu thương tôi và dành cho tôi những điều tốt mà mẹ có. Tuy vậy, mẹ biến tôi trở thành phiên bản “con gái ngoan” trước mắt mọi người bằng những lời khen bay tận mây xanh. Và tôi, khi nghe những điều ấy, cảm tưởng như mình cô Tấm vâng lời trong câu chuyện cổ tích.

Mẹ cho tôi thấy một chân lý “Trẻ ngoan sẽ có quà”, mà phần thưởng được trao tặng là lời khen ngợi và sự yêu thương. Trong tâm thể của một đứa trẻ cần được vỗ về, tôi lao đầu vào con đường cố gắng hơn nữa, cho đến khi nhận ra mình như chú chuồn chuồn vẫy vùng đôi cánh ướt sũng giữa trời mưa giông bão bùng, sẽ đến một ngày vì kiệt sức mà ngừng bay.

Là Wendy hay là Peter, hay là một ai đó khác trong đời sống này, cũng đều khao khát vô cùng tận những cảm xúc yêu thương, dù cho cách thể hiện và cảm nhận có khác nhau đi chăng nữa.

Xâu chuỗi tất cả những gì ý thức có thể chạm tới được, lý do sâu thẩm của “vết thương của mẹ” đã dần được phơi bày, chính từ sự khiếm khuyết tình thương trong tâm hồn của mỗi người.

Khi tâm hồn chỉ còn lại hình dạng của mảnh trăng khuyết, tình thương lại không đủ nhiều để thỏa lắp từng khoảng trống, đã ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe tinh thần của một con người.

Mọi sự cố gắng của bạn đều bị người khác không công nhận

Và thật không may mắn, rằng đa phần các hội chứng tâm lý này đều diễn ra mạnh mẽ trong tuổi ấu thơ, thời điểm mà ta hầu như không hề có sự phòng bị, và để lại những vết cắt sâu sắc trong giai đoạn lớn lên sau này để rồi ta phải mất rất nhiều thời gian và tâm sức để hàn gắn vết thương.

Cũng như một câu nói của Alfred Adler (bác sĩ, chuyên gia tâm thần học, người sáng lập trường phái tâm lý học cá nhân): “Người may mắn dành tuổi thơ để chữa lành hiện tại, kẻ bất hạnh dành cuộc đời để hàn gắn tuổi thơ”. 

Nhìn nhận lại suốt cuộc hành trình đã trải qua, có thể nói có có rất nhiều việc đã được định sẵn là như thế. Ta không có quyền lựa chọn người sinh ra mình. Nhưng ta có quyền lựa chọn cách mình sẽ sống. 

Carl Gustav Jung đã chỉ ra rằng: “Có một số sự kiện mà ý thức chúng ta đã không lưu ý đến; có thể nói, chúng vẫn còn ở bên dưới ngưỡng cửa của ý thức. Chúng diễn ra, nhưng chúng được hấp thu qua ngả tiềm thức, chứ không được ý thức nhận biết.”. Và bởi vì “ý thức thường chống lại bất kỳ cái gì vô thức và chưa biết.”, nên với những nỗi đau có phần di truyền như “vết thương của mẹ”, sẽ vô ích khi càng cố phủ nhận và trốn chạy.

Chỉ bằng cách đối diện trực tiếp với nó, ta mới có cơ hội nhận diện được vấn đề tâm lý đang mắc phải, từ đó mới có thể bắt đầu thấu hiểu được cảm xúc nội tại của chính mình, từng bước xoa dịu và chữa lành cho tâm hồn ta.

Trăng sẽ có lúc tròn lúc khuyết, cảm xúc cũng như những cơn thủy triều dâng lên rồi hạ xuống một khi còn phụ thuộc vào ánh trăng. Những thứ thể hiện bên ngoài, cho dù có hào nhoáng cách mấy, cũng sẽ có lúc mất đi. Do đó, sẽ thật ngốc nghếch khi cứ mãi chạy theo ngoại cảnh. Dừng chân lại, ngồi xuống hít thở thật sâu, để kêu gọi tâm bình an quay trở về, khi đó hạnh phúc chân thật mới hình thành rõ nét.

Để làm được điều đó, luôn nhớ nuôi dưỡng và vun đắp cho khu vườn nội tâm của chính bạn bằng lòng biết ơn vì được có mặt nơi đây, bằng hy vọng và bằng những điều tốt đẹp giản đơn của cuộc sống.

Một khi ánh trăng đủ tròn sẽ soi rọi ánh sáng xóa tan đêm tối. Một khi tâm hồn hoàn toàn được chữa lành và vượt ra khỏi giới hạn tác động của những nỗi đau tiềm thức, nó có thể lan tỏa đến những người thương yêu bên cạnh bạn, như ánh trăng ấm áp và an bình kia.

Đủ mạnh mẽ để ngắt đi sự kết nối giữa hiện tại và tương lai, bảo vệ con bạn trong môi trường sống tinh thần khỏe mạnh. Đủ kiên nhẫn để quay về xoa dịu cho từng vết thương cũ kỹ của mẹ và bà, chữa lành tận gốc rễ của nỗi đau lòng dai dẳng.    

Có thể đây là lần đầu tiên bạn nghe đến khái niệm “mother wound” hay “vết thương của mẹ”, nhưng tôi chắc rằng bạn sẽ chẳng cảm thấy xa lạ với nó. Bởi sâu thẳm trong mỗi tâm hồn của từng người trẻ chúng ta, vẫn đâu đó ẩn hiện ký ức mang sự tổn thương của thế hệ, những kỳ vọng và áp lực vô hình.

Chúng ta hoàn toàn giống nhau, cùng mong muốn xóa nhạt dần những vết thương đang tồn tại. Đó là lý do vì sao tôi và bạn có mặt ở đây, cùng sẻ chia để vượt qua những góc tối và nâng đỡ nhau, trao nhau ánh sáng đẹp đẽ của một đêm trăng tròn. 

Tin nổi bật
Truyền thông
06/06/2024

Bố Angela Phương Trinh đau lòng tiết lộ về sự thay đổi không thể tin của con gái

Bố Angela Phương Trinh đau lòng tiết lộ con gái biến chất, bị kẻ xấu lôi kéo hơn 1 năm nay, mang...
Truyền thông
05/04/2024

Bà Nguyễn Phương Hằng: “Bị cáo có tội nhưng cũng có tâm”

Tính từ lúc bà Phương Hằng bị tạm giam vào ngày 24/3/2022, đến nay, bà đã chấp hành án được...
Truyền thông
02/04/2024

Chính thức xử phạt một tiktoker vì nói “Sài Gòn là nơi lý tưởng của tội phạm”

Tiktoker Nhật Hải Biết Tuốt vừa bị Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang xử phạt vì có...
Truyền thông
01/04/2024

Tesla và trò đùa Cá Tháng Tư của Elon Musk tưởng như vô hại

Cá tháng Tư tuy là ngày lễ không chính thức nhưng lại được phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới,...