Chuyên mục
Hiện tượng tiêu cực victim blaming vẫn đang tồn tại trong xã hội và dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường. Bài viết dưới đây sẽ phân tích nguyên nhân đằng sau, cách thức chúng ta có thể thay đổi tư duy và đưa ra một tầm nhìn mới về sự thấu hiểu và đồng cảm.
Trong cuộc sống đầy khó khăn và thách thức, sự hiểu biết và đồng cảm là những phương tiện quý giá giúp chúng ta hỗ trợ lẫn nhau trong nhiều tình huống. Tuy nhiên, một hiện tượng xã hội tiêu cực vẫn còn đang tồn tại – victim blaming hay còn gọi là sự áp đặt trách nhiệm lỗi lầm lên nạn nhân trong những tai nạn, tình huống khó khăn.
Nạn nhân sẽ bị hạ thấp nhân phẩm và quy trách nhiệm nặng nề mặc dù họ là người bị hại trong vụ việc. Việc này có thể đến từ các bác sĩ, nhân viên y tế tiếp nhận điều trị, báo chí truyền thông, cộng đồng mạng thậm chí đau lòng hơn cả là gia đình nạn nhân.
Đây thực tế là một sự đánh giá phiến diện và sự thổi bùng từ hiệu ứng đám đông khiến nhận thức về vụ việc xấu bị lệch lạc, họ cho rằng nạn nhân xứng đáng với câu chuyện đã xảy ra hoặc là do nạn nhân tự chuốc lấy những rắc rối đó.
Victim blaming không chỉ đơn thuần là việc đổ lỗi cho nạn nhân mà nó chứa đựng những vấn đề sâu xa hơn về xã hội và tư duy. Điều này thường bắt nguồn từ tư duy “nếu là tôi thì…” khi người ta áp đặt tình thế của bản thân lên người khác. Chắc hẳn bạn đã từng ít nhất một lần trải qua tư duy này, đó có thể đơn thuần xuất phát từ một cuộc trò chuyện trên mạng xã hội và bạn tình cờ đọc được câu chuyện một người nào đó bị lừa gạt tiền. Liệu bạn có mong muốn giúp người đó tìm lại số tiền đã mất hay bạn sẽ suy nghĩ rằng “nếu là tôi thì tôi sẽ không thiếu sót đến mức để mất số tiền lớn như vậy”. Điều này có thể gây ra sự hiểu lầm và không đánh giá đúng mức độ phức tạp của tình huống mà nạn nhân đang phải đối mặt.
Đọc thêm bài viết: “Tiêu chuẩn kép” – Thước đo giá trị của một người hay chỉ là cách hành xử theo cảm xúc
Một ví dụ điển hình là tình huống nạn nhân của tấn công tình dục bị áp đặt câu hỏi về trang phục, hành động hoặc lối sống của họ. Việc đặt câu hỏi không đúng trọng tâm vấn đề không chỉ khiến người bị hại cảm thấy bất lực mà còn làm gia tăng thêm nỗi đau to lớn. Nếu bạn đã từng xem qua triển lãm trang phục của những nạn nhân bị xâm hại tình dục, bạn sẽ nhận ra rằng, việc nạn nhân mặc gì hoàn toàn không phải là vấn đề. Vấn đề nằm ở tư duy và nhận thức thủ phạm lẫn cả xã hội.
Mặt khác, ai cũng muốn được sống trong một thế giới công bằng. Tâm thức của con người dần dần hình thành những suy nghĩ nhân quả và tự áp đặt cả vào thế giới thực. Ví dụ như mình đã từng chứng kiến nhiều vụ việc bạo lực gia đình và những người hàng xóm thay vì can ngăn thì lại xì xầm rằng “chắc là nhân quả từ kiếp trước sống ác” hoặc “bình thường chắc cũng hung dữ lắm nên mới bị thành ra như vậy”. Việc đổ lỗi cho nạn nhân vô tình tiếp tay cho những hành vi bạo lực xảy ra ngày càng nghiêm trọng, đến một ngày khi sự cố không mong muốn xảy ra, chính những người đó lại tỏ vẻ tiếc thương cho nạn nhân.
Nếu bạn đã từng là nạn nhân của sự đổ lỗi, sự quy trách nhiệm vô lý của những người victim blaming, hẳn bạn sẽ cảm thấy đối diện bản thân là một bức tường dày ngăn cản bạn khỏi suy nghĩ đứng dậy tố giác hoặc vả chăng là đòi lại công bằng cho chính bản thân mình. Vì thực tế, bạn nhận thức được rằng khi bạn càng cố gắng lên tiếng thì hiệu ứng đám đông chỉ trích lại càng mạnh mẽ. Đó là lý do đa số các vấn nạn bạo lực học đường, xâm hại tình dục,… diễn ra ngày càng nhiều hơn và ngang nhiên hơn với mức độ ngày càng nghiêm trọng.
Tệ hơn nữa, những nạn nhân bắt đầu hình thành tâm lý xấu hổ và bị thao túng. Họ tự hỏi rằng bản thân có xứng đáng nhận hậu quả như thế này, từ đó gây nên những rối loạn tâm lý nguy hiểm ảnh hưởng đến quá trình hồi phục. Một số người còn mắc hậu chấn PTSD kéo dài suốt đời.
Tuy nhiên vẫn có những nạn nhân dũng cảm đứng lên đối diện với thủ phạm và tội ác giữa làn sóng chỉ trích của xã hội. Đó là một hành trình đi từ nơi bóng tối dày đặc đến ánh sáng. Họ nhận thức được rằng chỉ có việc thật sự đối mặt mới có thể khiến bản thân vượt qua và khiến vấn nạn đó không thể tái diễn ở những người khác. Những con người từng trải đó gặp gỡ và cùng nhau phối hợp giúp đỡ các nạn nhân khác vẫn còn ẩn khuất giữa bóng tối. Họ trao nhau niềm tin, động lực, dẫn lối và truyền cảm hứng để cùng nhau sống thật mạnh mẽ như những đóa hoa giữa sóng gió cuộc đời.
Việc giải quyết vấn đề victim blaming đòi hỏi sự thay đổi trong suy nghĩ và hành động của mỗi người. Bằng cách thấu hiểu và đồng cảm, chúng ta có thể tạo nên môi trường tốt hơn cho nạn nhân và xã hội. Mặt khác, hành vi quy trách nhiệm cho nạn nhân đôi khi đến từ các định kiến giới tính khi áp đặt những quan niệm, tiêu chuẩn xưa cũ không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại.
Đọc thêm bài viết: Tháo gỡ định kiến giới tính: Thách thức lớn của thời đại
Thực tế, những nạn nhân đã phải gánh chịu nỗi đau to lớn sau tai nạn và họ cần một khoảng thời gian có thể khá lâu để hồi phục lại những vết thương thể xác lẫn tinh thần. Một số họ còn mang nỗi đau vĩnh viễn đến suốt đời. Bạn hãy đặt trường hợp nếu gia đình, bạn bè thân thiết của chúng ta gặp trường hợp tương tự, chúng ta sẽ đứng lên bảo vệ, che chở cho họ hay ngày ngày chì chiết, cười nhạo họ? Mình nghĩ ai trong chúng ta đều sẽ lựa chọn phương án 1, vì ta cố gắng mỗi ngày là để mạnh mẽ hơn và giúp đỡ những người thân yêu quý. Tuy nhiên, điều đó sẽ có ý nghĩa hơn rất nhiều nếu bạn dành thêm sự giúp đỡ cho những người yếu ớt – những nạn nhân từ các tai nạn, đặc biệt là người đã và đang bị victim blaming.
Hãy cùng chung tay lên án những hành vi xấu, bảo vệ nạn nhân và đánh thức tinh thần dũng cảm để loại bỏ nạn đổ lỗi. Việc này sẽ tạo ra một xã hội với sự đồng lòng và những giá trị phát triển bền vững.
Khi nói đến victim blaming, chúng ta thường nghĩ đến cách xã hội thường áp đặt trách nhiệm và đổ lỗi cho nạn nhân trong các tình huống, tai nạn. Đây là một vấn đề đã tồn tại từ thời xa xưa và hiện vẫn còn làm ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của nhiều người. Tuy nhiên, câu chuyện của họ cũng tràn đầy sự truyền cảm hứng và hy vọng. Đồng thời đây cũng là những bài học quý báu về việc vượt qua khó khăn để sống tốt hơn và tìm lại sự tự tin của bản thân. Bạn đừng quên theo dõi các bài viết tiếp theo tại Thehegen để cùng sẻ chia những câu chuyện truyền cảm hứng nhé.