Chuyên mục
Những năm gần đây, Việt Nam tiến đến gần hơn hội nhập quốc tế với nhiều biến chuyển mới trong văn hóa – xã hội. Một trong số đó là bước tiến trong công cuộc thúc đẩy bình đẳng giới trong bối cảnh đa số các gia đình truyền thống vẫn tồn tại tình trạng định kiến giới tính đối với phụ nữ và bé gái. Cùng tìm hiểu định kiến giới là gì và vì sao lại cần nỗ lực xóa bỏ trong xã hội thông qua nội dung dưới đây.
Định kiến giới là một thuật ngữ chỉ tập hợp các quan niệm mà một cá nhân hoặc một cộng đồng cụ thể nào đó có chủ ý gán ghép cho nam giới và nữ giới. Các quan niệm này thường có đặc trưng lệch lạc, phi thực tế và mang tính phán xét làm cho nạn nhân cảm thấy thiệt thòi, nhụt chí. Ví dụ như là phụ nữ không thể có khả năng lãnh đạo một tập thể hoặc đàn ông không thể nhúng tay vào việc bếp núc vì đó không phải điều mà họ làm được.
Thật ra, những khuôn mẫu giới và định kiến giới này xuất phát từ những quan niệm truyền thống và ngày càng không còn thích hợp với bối cảnh xã hội hiện đại.
Trong cuộc sống tồn tại những định kiến giới tính bất hợp lý, cả nam và nữ giới đều bị giới hạn trong một khuôn khổ nhất định. Họ không có cơ hội tiến hành công việc mà bản thân họ hoàn toàn có khả năng hoàn thành dễ dàng.
Mặt khác, ai cũng có mưu cầu được công nhận năng lực bản thân, song với những rào cản khuôn mẫu giới, họ thường sẽ bị kìm hãm một cách bất lực. Tình trạng này kéo dài hình thành năng lượng tiêu cực ảnh hưởng xấu đến sự phát triển tư duy và nhận thức bình thường của con người. Một số trường hợp có biểu hiện các bệnh tâm lý như sang chấn tâm lý ngay từ thời thơ ấu hoặc thậm chí trầm cảm.
Đọc thêm bài viết: Điều gì xảy ra khi trẻ bị sang chấn tâm lý?
Mặt khác, định kiến giới còn tác động không nhỏ đến cơ cấu dân số của một quốc gia. Đa số các gia đình đều tồn tại quan niệm “con trai nối dõi gia tộc” nên thường có xu hướng “trọng nam khinh nữ” và tìm các giải pháp tiến bộ khoa học để lựa chọn giới tính khi sinh.
Việc này tạo nên sự mất cân bằng giới tính trong xã hội. Theo thống kê từ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, ước tính Việt Nam có khoảng 45.900 bé gái không được sinh ra mỗi năm trên cơ sở định kiến giới tính. Ngoài ra, gánh nặng của người mẹ sống trong những gia đình có tư tưởng “trọng nam khinh nữ” cũng là vấn đề nhức nhối khi họ liên tục bị gây áp lực phải sinh được con trai. Việc này dễ gây nên nhiều sự mâu thuẫn, bất hòa trong gia đình dẫn tới những tổn thất về thể xác lẫn tinh thần, rất nhiều người rơi vào trạng thái trầm cảm.
Đọc thêm bài viết: Dấu hiệu chính xác nhất nhận biết trầm cảm là gì?
Gia đình được xem là “tế bào” liên kết tạo ra hệ thống các quần thể xã hội. Vì vậy, việc thực hiện tốt bình đẳng giới trong mỗi gia đình sẽ hình thành cơ sở chủ chốt góp phần xóa bỏ định kiến giới. Từ đó, xã hội tiến đến sự phát triển toàn diện. Tuy nhiên một số thách thức trong việc thực thi chính sách bình đẳng giới vẫn còn tồn tại như chưa thật sự lan tỏa, liên kết với các yếu tố văn hóa – xã hội.
Định kiến giới không những tồn tại trong phạm vi gia đình và còn hiện diện ở các môi trường khác như công việc. Nhiều công ty, doanh nghiệp khi tuyển dụng nhân viên dù tích cực thể hiện quan điểm không phân biệt đối xử giới tính nhưng trên thực tế, họ thường ưu tiên tuyển dụng nam hơn nữ ở một số vị trí, vì suy nghĩ nữ giới sẽ vướng bận chuyện gia đình, quán xuyến nhà cửa và chăm sóc con cái. Trong một số trường hợp, định kiến giới cũng quyết định kết quả quá trình bổ nhiệm khi cả hai ứng viên khác giới tính được đưa lên bàn cân.
Các chương trình truyền thông đại chúng cần tập trung đặc tả nhiều hơn về các vấn đề tối trong xã hội như khuôn mẫu giới và định kiến giới. Việc này dựa trên truyền thống theo quan niệm Nho giáo xưa đã đi sâu vào suy nghĩ của nhiều thế hệ gia đình. Mặt khác, đối tượng truyền thông không những là nam giới mà còn là nữ giới, song song đó quá trình này cần được tiến hành rộng rãi trên các nền tảng truyền thông sáng tạo để thu hút sự chú ý và thay đổi tư duy đại chúng một cách tự nhiên.
Việc nâng cao trình độ dân trí và tăng cường giáo dục kiến thức về nhân quyền của nữ giới là chuyện cấp thiết, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đồng thời, xã hội cần có những chính sách củng cố hóa hệ thống bảo trợ cho người cao tuổi nhằm giảm bớt sự nặng nề trong quan điểm phải có con trai nối dõi tông đường và phụng dưỡng lúc tuổi già. Từ đó, quan niệm phân biệt giới tính không còn quá quan trọng, những bé gái sẽ không bị tước đi quyền được sinh ra mà có thể sống trong môi trường giáo dục tốt, được yêu thương và đối xử công bằng so với các em đồng trang lứa.
Tháo gỡ định kiến giới tính là việc làm cấp thiết nhằm cân bằng lại sự chênh lệch giữa giới tính trong xã hội. Qua đó, Việt Nam tiến đến gần hơn hội nhập quốc tế với nhiều biến chuyển mới trong văn hóa – xã hội. Bạn có thể tham khảo thêm nhiều bài viết khác tại Thehegen để cập nhật các kiến thức mới xoay quanh bình đẳng giới.