Học thuyết đám đông được chia thành 2 trường phái đối lập. Một bên cho rằng đám đông luôn đại diện cho hiện trạng hỗn loạn, mù quáng và vô thức,trong khi bên đối lập cho rằng đám đông là một thực thế hữu thức và sở hữu trí tuệ kinh ngạc trong một vài trường hợp.
Trí tuệ đám đông thể hiện ở loại trường hợp nào?
James Michael Surowiecki – một nhà báo người Hoa Kỳ đồng thời cũng là tác giả quyển The Wisdom of Crowds đã từng cho rằng, khi đám đông ở trạng thái không nổi loạn và không mù quáng thì tư duy và trí tuệ của họ sẽ phát triển vượt bậc hơn bất kỳ cá nhân xuất sắc nào. Nhiều thực nghiệm đã được nghiên cứu đủ để chứng minh cho giả thuyết trí tuệ đám đông thật sự tồn tại, đơn cử như sự kiện đám đông dự đoán gần chính xác cân nặng của một con bò hoặc giúp Lực lượng Hải quân Hoa Kỳ tìm ra vị trí chính xác của con tàu ngầm bị mất tích năm 1968.
Theo đó, trí tuệ đám đông được thể hiện rõ rệt ở 3 loại trường hợp cụ thể sau:
Trường hợp thiên về vấn đề nhận thức hoặc giải quyết vấn đề: Nếu bạn đặt ra cho đám đông những câu hỏi dẫn đến những câu trả lời cụ thể như: Ai sẽ đăng quang ngôi vị cao nhất Miss Grand International năm nay? Vị trí tốt nhất để xây dựng hệ thống tuabin điện gió là ở đâu? Phim Đất rừng phương Nam có vượt qua scandal hay không? Đám đông sẽ cho bạn một câu trả lời mà khi tính tỷ lệ trung bình, bạn sẽ cảm thấy bất ngờ vì sự chuẩn xác. Một ví dụ khác nằm ở gameshow Ai là triệu phú với quyền trợ giúp từ khán giả trong trường quay, không ít người chơi đã vượt qua câu hỏi hóc búa nhờ vào trí tuệ đám đông.
Trường hợp thiên về vấn đề phối hợp chung: Nhìn chung, đám đông khá giỏi trong việc điều phối hoạt động. Nhà xã hội học William H.Type đã dành khá nhiều thời gian nghiên cứu những con phố tại New York để giải đáp vấn đề mặc dù đường đi khá chật hẹp nhưng đám đông có thể dự đoán hành vi của nhau, thông qua đó họ tăng giảm tốc độ để tránh va phải nhau. Chúng ta có thể xây dựng sự phối hợp thông qua các chuẩn mực và quy ước ngầm. Chúng duy trì trật tự ổn định và cho phép những người không liên quan nhau giải quyết những tình huống cụ thể mà không mất quá nhiều thời gian suy nghĩ hay phải tách lẻ ra.
Trường hợp thiên về vấn đề hợp tác: Đám đông có khả năng chi phối vấn đề hợp tác. Bạn có thể nhận thấy điều này trong những buổi họp phụ huynh học sinh khi đám đông phụ huynh có thể thống nhất một mức quỹ lớp hợp lý.
Điều kiện cần và đủ để đám đông có trí tuệ
Tất nhiên, không phải lúc nào đám đông cũng dẫn đầu về mảng trí tuệ khi sở hữu đặc thù rất dễ mù quáng, hỗn loạn và bị ảnh hưởng bởi tâm lý bầy đàn. Vì vậy, 4 điều kiện cần và đủ để đám đông hiện diện trí tuệ là:
Đa dạng ý kiến: Mỗi người phải hình thành một nhận định riêng biệt về một vấn đề cụ thể nào đó. Ví dụ như việc giáo viên đưa ra một đề bài và yêu cầu học sinh trong lớp học giải theo nhiều cách khác nhau. Sự đa dạng ý kiến của đám đông là một yếu tố quan trọng. Một ví dụ khác đến từ thực nghiệm giải quyết vấn đề giữa một nhóm chuyên gia và một nhóm ngẫu nhiên. Với những kiến thức và trải nghiệm tương tự nhau, nhóm chuyên gia gần như có cách phân tích lẫn giải quyết vấn đề tương tự nhau trong khi nhóm ngẫu nhiên đã chứng minh ưu thế đa dạng của mình với kinh nghiệm sống khác biệt sẽ cho ra những phương án độc đáo, hiệu quả hơn hẳn.
Độc lập ý kiến: Các ý kiến được hình thành phải xuất phát từ chính tư duy, suy nghĩ của họ mà không bị ảnh hưởng bởi kết quả từ đám đông. Nếu bị ảnh hưởng, tâm lý bầy đàn sẽ xuất hiện và kết quả chung cuộc sẽ không còn chuẩn xác. Những sai lầm của một người sẽ ảnh hưởng những người còn lại trong tập thể dẫn đến định hướng sai lầm hoặc góc nhìn chỉ được xét dưới phương diện của một người (còn gọi là tiêu chuẩn kép). Song thực tế, độc lập là điều khá khó xây dựng trong đám đông vì họ có xu hướng ảnh hưởng lẫn nhau đồng thời tin vào bằng chứng xã hội.
Phân cấp – phi tập trung hóa: Nếu không có bất kỳ sự chỉ đạo nào đối với từng thành viên trong nhóm, trung tâm sẽ không dồn về bất cứ người nào. Từ đó, đám đông giữ được bản nguyên đa dạng trong nêu ra ý kiến cá nhân. Tuy nhiên, sự phi tập trung hóa cũng có mặt hạn chế nằm ở việc những thông tin quan trọng sẽ không được chia sẻ, kết nối giữa những thành viên trong nhóm.
Tổng hợp: Đám đông phải có cơ chế riêng biệt để biến ý kiến cá nhân thành quyết định của tập thể.
Trong một vài trường hợp nhất định, đám đông sẽ chứng minh trí tuệ và năng lực nổi bật hơn bất kỳ cá nhân nào. Tuy nhiên, điều này cần điều kiện cần và đủ để trí tuệ đám đông được khai triển tối đa. Bên cạnh đó, việc nhận thức được đa số thông minh hơn thiểu số trong những trường hợp nào sẽ giúp bạn vận dụng tốt vào đời sống thực tế để giải quyết các vấn đề nan giải.