Chuyên mục
Thái độ và trình độ đều phản ánh sự tương quan trong bức tranh tổng thể của môi trường làm việc. Dưới góc nhìn của một nhân viên văn phòng, mình không phủ nhận sự quan trọng của thái độ nhưng mình cho rằng trình độ nên là thứ quyết định giá trị trong công việc.
Cho đến tận bây giờ, mình vẫn thường nghe cấp trên nhắc rằng thái độ quan trọng hơn trình độ. Với góc nhìn của mình, mình không phủ nhận việc này nhưng nó cũng chưa phải đầy đủ. Đặc biệt trong bối cảnh xã hội hiện nay, nhịp sống vội vã khiến con người phải luôn update bản thân một cách tối ưu nhất để không bị tụt lại phía sau.
Một ông chú làm trong công ty viễn thông giấu tên V. đã từng nói với mình rằng, thật ra ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ bây giờ, người ta cũng bắt đầu sử dụng mô hình ASK để đánh giá năng lực nhân sự rồi. Mô hình ASK ấy là tên viết gọn của Attitude (thái độ), Skill (kỹ năng) và Knowledge (kiến thức). Ông chú cũng bảo mình rằng, người ta quy ước tỷ trọng dựa trên 3 yếu tố đó với phần nghiêng áp đảo thuộc về thái độ (chiếm đến 70%) trong khi kỹ năng và kiến thức chia nhau 30% ít ỏi còn lại.
Cá nhân mình cho rằng tỷ lệ này không sai nhưng nó chỉ đúng với đặc thù một số ngành nghề không quá phức tạp và cần sự đổi mới liên tục. Đơn cử như các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, các nhóm nghề thiên về tư duy sáng tạo,…bạn cần phải có nền tảng kiến thức sâu rộng từ trước song hành cùng tư duy thích nghi đổi mới liên tục. Trình độ được tích hợp bởi kiến thức và kỹ năng theo thời gian, nếu xét về thực tế, đây là tài sản cá nhân có giá trị nhất để bạn giải quyết mọi yêu cầu từ công việc.
Đọc thêm: Hãy xem công việc như một mối quan hệ và đối đãi như người tình
Mình đã từng có một trải nghiệm đáng nhớ với công việc thứ hai, đó là vị trí sáng tạo nội dung cho một startup công nghệ. Lý do mình nhận được cái gật đầu từ bộ phận nhân sự lẫn CEO là vì mình từng có 3 năm kinh nghiệm làm hướng dẫn viên du lịch tại công ty trước đó. Bạn không nhầm đâu, chính mình cũng bất ngờ vì bản thân được tuyển dụng với kinh nghiệm không hề dính dáng gì đến vị trí hiện tại. Lý do anh CEO đưa ra là vì anh thấy được mình là một người có thái độ làm việc tốt. Điều đó thể hiện ở việc mình gắn bó với công ty cũ đến hơn 3 năm nên anh mạnh dạn gửi tặng mình cơ hội để thể hiện. Cơ hội luôn đi kèm với điều kiện, nếu sau 2 tháng thử việc mà mình không có gì để thuyết phục anh giữ mình lại ngoài thái độ làm việc thì anh cũng rất lấy làm tiếc.
Sau 2 tháng, mình được giữ lại công ty đồng thời mức lương cũng tăng lên không ít. Mình chính thức được cấp trên và đồng nghiệp công nhận trình độ đồng thời họ cũng trao cho mình thành quả bản thân xứng đáng được nhận. Chặng đường đó đã giúp mình nhận định rằng thái độ là thứ giúp mình có được công việc nhưng trình độ mới là thứ nhấn mạnh giá trị bản thân cũng như quyết định mức lương xứng đáng.
Tất nhiên, mình không hề phủ nhận tầm quan trọng và cần thiết của một thái độ làm việc tích cực. Vì thật ra nhờ có thái độ, mình mới được trao cơ hội để thể hiện trình độ và điều đó là những viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho chặng đường phát triển sự nghiệp của mình sau này. Mặt khác, bản thân mình cũng khá khó chịu khi phải làm việc với đồng nghiệp có thái độ thiếu hợp tác. Bạn hãy tưởng tượng rằng trong một tập thể, một người luôn vui vẻ, hòa đồng, có tinh thần trách nhiệm,… sẽ luôn nhận được sự yêu mến nhiều hơn từ đồng nghiệp. Song, với xu hướng phát triển nhanh chóng mặt của xã hội ngày nay, nếu bạn chỉ giữ thái độ làm việc tích cực, chân thành mà không chú ý đến nâng cao trình độ thì rất nhanh, bạn bắt đầu trở nên bị động và bị xã hội bỏ lại phía sau. Đồng thời, bạn sẽ mang tâm thế “được” lựa chọn thay vì tự tin rằng trình độ cá nhân là thứ thôi thúc doanh nghiệp tuyển dụng bạn ngay giữa vô vàn hồ sơ ứng viên.
Mình cũng chứng kiến nhiều người đi chậm dần và dừng hẳn trên chặng đường phát triển kỹ năng khi đã có được công việc mong muốn. Những ngày đầu tiên, bạn không ngại va chạm để học hỏi nhưng sau khi đã quen với công việc, bạn bắt đầu quên dần ý nghĩ phải nâng cấp bản thân từng ngày. Thực tế, điều đó phụ thuộc quyết định cũng như hoàn cảnh cá nhân. Song nếu không chủ động mài giũa kỹ năng để có thể xử lý những vấn đề lớn hơn, cần trình độ cao hơn thì bạn sẽ chẳng có cơ sở nào để thuyết phục doanh nghiệp nâng cao mức lương hiện tại ngoài thái độ làm việc và trình độ đã ngừng phát triển từ lâu. Nói nôm na rằng, giới hạn an toàn lại trở thành vòng kim cô giam hãm chính lộ trình phát triển sự nghiệp của mỗi người và một số người lại lựa chọn nhảy việc thay vì nhìn lại bản thân.
Đọc thêm bài viết: Khi người trẻ rơi vào vòng luẩn quẩn “nhảy việc” liên tục…
Cha mình hay sử dụng lối tư duy hình tượng hóa để giải thích. Một lần ông nói với mình rằng, con hãy suy nghĩ trình độ là những đường quyền võ thuật còn thái độ là cách con vận dụng những đòn đánh đó khi thực chiến. Với những võ sư đã qua quá trình thực chiến lâu năm, họ sẽ có kinh nghiệm sử dụng những đòn đánh một cách khéo léo, uyển chuyển nhất để hạ gục đối thủ. Mặt khác, nếu biết cách vận dụng nhưng sát thương mỗi đòn đánh quá yếu thì chẳng khác nào gãi ngứa cho địch, võ sư rất nhanh sẽ bị hạ đo ván thôi.
Vì vậy, dưới góc nhìn một nhân viên văn phòng, mình nghĩ rằng trình độ hay thái độ cũng đều quan trọng nhưng kỹ năng sẽ là thứ để bạn quyết định giá trị bản thân. Điều cốt yếu nằm ở việc bạn nên giữ vững tư duy nỗ lực phát triển kỹ năng cá nhân, đó sẽ là tiền đề để bạn sở hữu một cuộc sống thành công và hạnh phúc trọn vẹn trong tương lai.