Chuyên mục
Trong nhiều tình huống xấu, nạn nhân lại là người bị quay lưng và hứng chịu mũi rìu dư luận. Điều này bắt nguồn từ tâm lý đổ lỗi cho nạn nhân (victim blaming) với quan điểm “không có lửa làm sao có khói”? Hãy cùng Thehegen giải đáp qua nội dung bên dưới.
Victim blaming hay còn gọi là hành vi đổ lỗi cho nạn nhân thay vì thủ phạm sau khi tội ác (hành hung, cưỡng hiếp,…) xảy ra. Nạn nhân sẽ bị hạ thấp nhân phẩm và quy trách nhiệm một phần hoặc toàn bộ mặc dù họ là người bị hại trong vụ việc. Việc này có thể đến từ các bác sĩ, nhân viên y tế tiếp nhận điều trị, báo chí truyền thông, cộng đồng mạng thậm chí là cả gia đình nạn nhân.
Đây thực tế là một sự đánh giá phiến diện và sự thổi bùng từ hiệu ứng đám đông khiến nhận thức về vụ việc xấu bị lệch lạc, họ cho rằng nạn nhân xứng đáng với câu chuyện đã xảy ra hoặc là do nạn nhân tự chuốc lấy những rắc rối đó. Vì vậy, nhiều nạn nhân, đặc biệt là ở độ tuổi thanh thiếu niên sẽ dễ mắc các bệnh tâm lý thậm chí có hành vi tự sát để giải thoát bản thân.
Đọc thêm bài viết: Không nên xem nhẹ các hội chứng tâm lý thường gặp
Chuyên gia tâm lý học người Mỹ Elaine Walster cho rằng tình trạng này hoạt động như một cơ chế phòng vệ tối ưu của cơ thể. Cơ chế này giúp con người giảm nhẹ tính nghiêm trọng của vấn đề và củng cố cho suy nghĩ những điều khủng khiếp ấy không thể xảy ra với mình. Cụ thể hơn, họ cho rằng lỗi là ở nạn nhân, nếu mình không hành xử hoặc ăn mặc như vậy thì tình huống xấu chắc chắn không xảy ra với mình.
Mặt khác, khuynh hướng đổ lỗi cho nạn nhân khởi nguồn một phần từ mong muốn một thế giới công bằng. Các chuyên gia tâm lý học xã hội định danh đó là giả thuyết thế giới công bằng (just-world phenomenon) đặc trưng bởi việc con người thường tin rằng ai đó gặp chuyện không may là do đang nhận quả báo từ những hành độ xấu xa trong quá khứ.
Ngoài ra, tâm lý cũng là lý do khiến chúng ta có hành vi victim blaming. Quy chụp sai lệch căn bản (fundamental attribution error) là một hiện tượng đánh giá cao các ảnh hưởng từ yếu tố bên trong như tính cách và xem nhẹ yếu tố bên ngoài như tình huống khi phân tích hành vi của một người. Bạn có thể hiểu nôm na rằng khi nhìn thấy hành vi của một người, con người thường hay nghĩ điều này xuất phát từ tính cách hơn là tình huống người đó đang phải đối diện.
Một nguyên nhân khác khiến con người có xu hướng victim blaming chính là do thiên lệch nhận thức muộn (hindsight bias) biểu hiện bằng việc con người tin rằng mình có thể nhận ra các dấu hiệu và dự đoán được tình huống sắp xảy ra. Vì vậy, điều này dẫn đến một quan điểm sai lầm là nạn nhân đáng lẽ phải nhận thức được sự nguy hiểm và phòng tránh tình huống xấu xảy ra. Song, họ vẫn để chuyện đó xảy đến vì vậy đây hoàn toàn là lỗi của họ.
Tình trạng victim blaming như một rào cản vô hình ngăn con người đối diện và lên án những hành vi xấu xa đồng thời đòi lại công bằng cho nạn nhân. Mặt khác, khi người bị hại bị đổ lỗi theo số đông, họ có tâm lý tự trách bản thân dẫn đến hành động giấu nhẹm tội ác. Từ đó, hiện trạng phạm pháp diễn ra nhiều hơn và ngang nhiên hơn với mức độ ngày càng nghiêm trọng.
Hành vi đổ lỗi cho người bị hại dần tạo nên áp đặt to lớn rằng họ xứng đáng chịu hậu quả nặng nề sau tội ác vì họ đã không dự đoán trước sự nguy hiểm và để cho tình huống xấu xảy ra. Từ đó, họ cảm thấy xấu hổ và chán ghét bản thân thậm chí tệ hơn là hình thành các hội chứng rối loạn tâm lý. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sự hồi phục của nạn nhân sau tình huống gây đả kích về mặt thể xác lẫn tinh thần.
Đọc thêm bài viết: Rối loạn tâm lý có nguy hiểm không?
Mặt khác, do tâm lý sợ bị chỉ trích, người bị hại có xu hướng né tránh và từ chối mọi sự giúp đỡ từ bên ngoài. Khi gặp một tình huống tương tự diễn ra với một nạn nhân khác, trong vô thức họ cũng sẽ tiến hành chỉ trích nạn nhân với những lý lẽ và diễn biến giống như bản thân đã từng trải qua. Tất nhiên, đa phần họ sẽ từ chối việc đứng lên tố giác kẻ thủ ác vì sợ sẽ một lần nữa trải qua những cơn mưa thóa mạ, chỉ trích từ người xung quanh.
Victim blaming là hiện tượng xảy ra phổ biến trong thời đại hiện nay khi đi ngược lại những chuẩn mực đạo đức xã hội. Việc này bắt nguồn từ nhiều nguyên do khác nhau nhưng thực tế gây nên nhiều hậu quả to lớn đối với nạn nhân và hiện trạng xã hội. Bạn hãy tham khảo thêm các bài viết khác tại Thehegen để cập nhật thêm nhiều thông tin bổ ích xoay quanh vấn đề tâm lý và cuộc sống nhé!