Chuyên mục
Đọc hết một nửa quyển sách “Nghệ thuật của việc “đếch” quan tâm”, suy nghĩ “quyển sách này đúng là rác rưởi” thường xuất hiện trong đầu nhiều độc giả, cổ động cho lối sống phó mặc, không chịu cố gắng vì sẽ chẳng có gì thay đổi. Nhưng những phần tiếp theo đã chứng minh suy nghĩ ấy là sai.
Đừng cố ở đây không có nghĩa là bỏ cuộc, mà là ngừng quan tâm quá nhiều tới cái đích. Đơn giản là khi bạn càng quan tâm, bạn sẽ càng thấy thiếu thốn nó ngay bước đầu tiên. Giống như những gì nhà triết học Alan Watts gọi là “luật giật lùi” – nếu bạn khao khát được hạnh phúc, điều đó chỉ càng nhấn mạnh sự bất hạnh vốn có ngay từ đầu, nếu bạn “đếch” quan tâm đến những thành phần tạo nên hạnh phúc, đó mới là lúc bạn bắt đầu sống và tận hưởng từng chút một.
Hãy tìm hiểu tiếp phần 2 của quyển sách này nhé.
Xem phần 1 tại: “Đếch” quan tâm không có nghĩa là thờ ơ mà là thoải mái để trở nên khác biệt
Trưởng thành là một quá trình lặp lại vô cùng tận. Chúng ta không đi từ sai tới đúng, mà đi từ chỗ sai tới chỗ sai ít hơn, và rồi ít sai hơn nữa, những chẳng bao giờ chạm được tới sự thật hoàn hảo. Ta không nên tìm kiếm câu trả lời đúng tuyệt đối cho mình mà nên tìm cách loại bớt những sai lầm để ngày mai ta có thể sai ít hơn.
Đây là chương dài nhất và có lẽ cũng là chương “xoắn não” nhất trong quyển sách. Ở chương này, Mark Manson đã chỉ ra một sự thật rằng: Hầu hết niềm tin của chúng ta đều là sản phẩm của sự thành kiến quá khứ sai lệch tồn tại trong não bộ. Do đó, không có gì là chắc chắn và ta cũng không nên quá tin chắc vào bản thân mình.
“Thứ gì càng đe dọa tới cách bạn đánh giá bản thân thì bạn sẽ càng né tránh nó“.
Nếu bạn tin rằng mình là một chuyên viên bán bảo hiểm có đầu óc thực tế, bạn sẽ lảng tránh những công việc có tính nghệ sĩ, dù bạn thực sự có hứng thú với chúng. Nếu bạn tin rằng mình là một người đàn bà ngoan hiền, thì bạn sẽ lảng tránh việc trở nên táo bạo và nóng bỏng hơn trong phòng ngủ với chồng hay người yêu.
Hay nói cách khác, chúng ta cứ khăng khăng bỏ qua những cơ hội tốt vì chúng sẽ làm thay đổi cách ta nhìn nhận và đánh giá bản thân mình. Bởi thế cho nên, điều ta cần làm là hãy nhìn nhận bản thân mình theo một chiều hướng rộng rãi và cởi mở hơn, chứ không nên đóng đinh bản thân trong một hình mẫu cứng nhắc nào đó, tạo điều kiện để bản thân được tự phát triển.
Thường thì chúng ta nghĩ rằng để làm một điều gì đó thì chúng ta cần có động lực trước tiên: Cảm hứng -> Động lực -> Hành động mong muốn. Điều này không sai, nhưng ta hãy thay đổi góc nhìn một chút: động lực không chỉ là một dây chuyền có các mắt xích như trên, mà nó là một vòng lặp bất tận.
Nếu bạn vướng mắc trước một vấn đề mà bạn chưa biết xoay sở thế nào hay sợ hãi trước kết quả, thì đừng chỉ ngồi và suy nghĩ về nó, hãy làm bất cứ điều gì đó và câu trả lời sẽ tới.
Nguyên lí này không chỉ giúp bạn loại bỏ sự trì hoãn mà còn giúp bạn chấp nhận những giá trị sống mới tốt đẹp hơn. “Một điều gì đó” có thể là bất cứ điều gì mà bạn hành động hướng tới một điều gì đó khác, một sự thay đổi giúp bạn tiến về phía trước. Và quan trọng nhất là: thất bại trở nên không còn đáng sợ nữa.
Sự tự do của bản thân nó tuyệt đối không có ý nghĩa gì cả! Thay vì vậy, tự do mang đến cơ hội cho những ý nghĩa lớn hơn. Và cách duy nhất để cảm nhận được tầm quan trọng của cuộc đời đó là loại bỏ bớt các khả năng, một sự thu hẹp của tự do, lựa chọn gắn kết với một thứ duy nhất.
Chúng ta đều cần quan tâm tới một điều gì đó, thì mới có thể trân trọng điều ấy. Và để trân trọng điều gì đó, chúng ta phải từ chối những thứ không phải là điều gì đó. Bạn sẽ phải lựa chọn. Do đó, ta có thể thấy rằng: nhiều hơn chưa chắc đã tốt hơn. Đây được gọi là “nghịch lý của sự lựa chọn“.
Để dễ hiểu hơn, thì bạn cứ tưởng tượng rằng có 10 chàng trai/cô gái thích bạn mà bạn phân vân không biết chọn ai. Cảm giác ấy không tuyệt vời lắm đâu, tin tôi đi. Cho dù bạn có chọn được lấy một người thì bạn vẫn luôn lo lắng không biết mình chọn có đúng không, có tốt nhất chưa, bởi bạn vẫn nhận thức được những lựa chọn mình đã bỏ lỡ kia.
Mark Manson cho rằng việc nói “không” hay sự từ chối đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc đời chúng ta:
Bạn sẽ thấy, cái chết lại thực sự có một ý nghĩa sống còn cho cuộc đời của chúng ta. Cái chết là điều không thể tránh khỏi và nó khiến chúng ta sợ hãi, nhưng chính ở đó lại là nơi mà toàn bộ ý nghĩa cuộc đời ta được đong đếm.
Nếu như không có cái chết, mọi thứ trôi qua thật tầm thường, sao cũng được, mọi thước đo và giá trị của ta chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Hay nói cách khác, nếu như không có cái chết, thì chúng ta sống cũng không có nghĩa lý gì cả.
Do đó, đối mặt với cái chết là điều vô cùng quan trọng, bởi nó sẽ giúp ta biết được đâu là ý nghĩa đẹp đẽ của cuộc đời ta, xóa bỏ tất cả những giá trị tệ hại, mong manh và nông cạn chỉ với câu hỏi: “Rốt cuộc bạn còn lại điều gì ?“. Chỉ khi tồn tại cái chết thì chúng ta mới có thể quan tâm, trân trọng từng khoảnh khắc mà ta đang sống, mới hiểu rằng điều gì là quan trọng và không quan trọng. Có thể nói rằng, cái chết chính là thứ định hướng toàn bộ cuộc đời của ta.
Túm lại, đây không chỉ là một cuốn sách để đọc, mà còn là để trải nghiệm, để bạn thực sự bước ra ngoài kia và tạo ra một con đường độc nhất dành cho bạn.
“Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm” chính là cuốn cẩm nang, là người bạn đồng hành và là một trong những chiếc la bàn quý giá mà bạn nên sở hữu trên con đường trưởng thành đầy chông gai, thử thách nhưng cũng đầy cảm xúc và đáng tự hào của bạn. Rồi khi chiêm nghiệm lại tất cả những thành công và sự sai lầm mà bạn đã trải qua, thì bạn mới có thể thấm thía từng câu, từng chữ mà Mark Manson đã viết.
Chắc hẳn với bạn đôi lúc sẽ khó khăn. Bạn sẽ đụng phải những gồ ghề, những khúc quanh, những thời điểm mà cảm xúc chớm dâng trào rồi lại tụt dốc. Có thể bạn sẽ cảm thấy như thể mình là một kẻ thua cuộc, giả tạo và ngu ngốc. Bạn sẽ cảm thấy sợ hãi hoặc bực bội với nhiều người trong suốt quá trình ấy. Có thể bạn sẽ cảm thấy không chắc chắn về những gì mình đang làm, bạn sẽ tự nghi ngờ chính mình và sẽ tự hỏi “không biết mình làm vậy có đúng hay không ?” rất nhiều lần. Đôi lúc, bạn sẽ chẳng còn biết thế nào là đúng, thế nào là sai nữa.
Cảm giác vô vọng này có thể kéo dài vài phút, vài giờ hay vài ngày, nhưng nhiều khả năng nếu bạn thúc ép bản thân, nếu bạn đơn thuần cố gắng thay đổi bản thân và điều hướng lại cách bạn tương tác với thế giới, sẽ có lúc bạn cảm nhận được thứ gọi là “sự trưởng thành“. Tôi hoàn toàn tin tưởng như vậy.
Sau tất cả, ánh sáng luôn ở phía cuối đường hầm.