Chuyên mục
“Mở quá nhiều tab sẽ làm hao pin” – là một phép ẩn dụ cho cuộc sống hiện đại của gen Z, khi họ phải tất bật xử lý quá nhiều tab đang hiển thị trong đầu.
Gen Z phải liên tục chuyển đổi giữa các màn hình như mạng xã hội, học tập, công việc hay giải trí… Và đồng thời cùng lúc đó, cũng có hàng ngàn những mối lo khác cũng đang vây quanh tâm trí họ.
Nhưng thật ra, gen Z bây giờ đã biết cách gọi tên, định nghĩa cảm xúc và suy nghĩ của mình. Vậy nên, tôi không nghĩ đó là sự yếu đuối, mà đó là dũng khí, dũng khí thừa nhận “Tôi là ai? Tôi đang cảm thấy thế nào?”
Cùng tôi khám phá sâu hơn những hiện tượng tâm lý thường gặp của gen Z nhé. (Một số nội dung được trích từ quyển sách “ Hành tinh của một kẻ nghĩ nhiều”)
Bạn có thể đã nghe về nó, hoặc thậm chí chính bạn cũng từng mắc phải nó nhưng ở một dạng nào đó. Người mang hội chứng này thường cảm thấy căng thẳng, lo lắng về những mối quan hệ của họ, sợ bản thân sẽ lỡ mất điều gì đó. FOMO thường bao gồm 2 giai đoạn: từ cảm giác lo sợ bị bỏ lỡ dẫn đến hành vi cưỡng chế, khiến họ bị ám ảnh và trong tâm trí luôn nghĩ rằng mọi người hơn mình.
Hội chứng này cũng có liên hệ với thời lượng sử dụng mạng xã hội. Người có xu hướng sợ bỏ lỡ càng cao thì thời lượng “enjoy cái moment” này càng nhiều, luôn muốn bắt kịp những gì mới nhất. Nỗi sợ bị bỏ lỡ cũng khiến người dùng cảm thấy mình có nhiều mối quan hệ hơn và thúc đẩy họ trở nên cởi mở hơn với việc công khai các thông tin cá nhân trên mạng.
Tuy nhiên, sử dụng mạng xã hội càng nhiều càng khiến người dùng dễ bị xâm phạm hơn trên mạng qua các hình thức như bắt nạt trên mạng hay bị theo dõi hoặc quấy rối. Từ đó, ảnh hưởng đến tâm lý và gây ra hệ quả là họ ngày càng tự ti.
Overachiever là những người luôn rất nỗ lực trong học tập và công việc, nhưng lại không hài lòng về thành quả của mình vì với họ không bao giờ là đủ. Họ thường sẽ là những người theo chủ nghĩa hoàn hảo và ám ảnh với việc thất bại. Chính vì thế, họ thường đặt ra những mục tiêu rất cao, hoặc có thể nói xa tầm với cho bản thân mình và kể cả những người xung quanh.
Dấu hiệu nhận biết một overachiever “chính hiệu” là các đặc tính đi kèm như kiên trì, chăm chỉ, tham vọng. Tuy nhiên, cũng vì những đặc tính đó lại khiến họ trải nghiệm cảm xúc theo hai chiều hướng khác nhau. Trước hết, khi họ vui vẻ, họ có thể hào hứng, mạnh mẽ, tràn đầy năng lượng và tích cực. Nhưng ngược lại khi họ rơi vào trạng thái tiêu cực, họ sẽ trải qua những cảm xúc căng thẳng, sợ hãi, buồn bã, tội lỗi, xấu hổ, lo lắng và bồn chồn. Và sẽ tệ hơn nếu kết hợp thêm “thói” theo đuổi sự hoàn hảo, chỉn chu quá mức cho phép. Nhiều nghiên cứu chỉ ra những người mắc phải overachiever cũng sẽ “kết nạp” thêm hội chứng rối loạn lo âu so với bạn bè đồng trang lứa.
Pick-me chỉ những người luôn coi mình là đặc biệt, chứng tỏ bản thân không giống với những cô gái/ những chàng trai “đại trà” ngoài kia nhằm mục đích gây sự chú ý hoặc hấp dẫn đối phương (có thể là về mặt tính dục nói chung).
Một ví dụ điển hình, chẳng hạn như một số phụ nữ có sở thích nấu ăn, chăm lo gia đình chỉ trích phụ nữ không sở hữu các tính cách này, để đánh bóng bản thân, thu hút bạn khác giới.
Trong cuốn sách “Hành tinh của một kẻ nghĩ nhiều”, thông qua việc tập trung phân tích ví dụ ở phái nữ, tác giả đã chỉ ra rằng, nguồn cơn của sự căng thẳng giữa con gái với nhau nằm sâu trong địa vị của xã hội, trong cách họ được nuôi dạy, môi trường sống và sự giới hóa trong quá trình trưởng thành. Chúng ta được nuôi dạy và lớn lên qua những câu chuyện về hình mẫu phụ nữ ác và phụ nữ tốt, phụ nữ xấu và phụ nữ đẹp. Từ đó, vô thức xây dựng một tư duy là “ta – cô ta”. Khi đó, để ta là cô gái tốt, cô ta phải là cô gái xấu. Do đó, cô ta là người đáng bị lên án và hạ bệ.
Việc hiểu rằng, chúng ta là những cá nhân khác nhau, với những tính cách khác nhau, cũng giống như mối quan hệ giữa các cô gái không nhất thiết phải giống như Tấm – Cám, Lọ Lem – Dì Ghẻ… Đó đơn giản là những mối quan hệ giữa các cá nhân vô cùng độc đáo với nhau. Bắt đầu từ việc thấu hiểu bản thân và tâm lý hạ bệ người khác bắt nguồn từ đâu, chúng ta sẽ tìm được sức mạnh của chính mình và cùng nhau ủng hộ và nâng đỡ những người phụ nữ khác.
Nỗi sợ thân mật là việc hạn chế chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc có giá trị trong một mối quan hệ với một người mà chúng ta thật sự quan tâm và gần gũi.
Khác với nỗi sợ bị tổn thương (fear of vulnerability), một người có nỗi sợ thân mật (fear of intimacy) vẫn có thể thoải mái bày tỏ và thể hiện con người thật của mình với người khác, hoặc ít nhất là với bạn bè, người thân hoặc người mà họ cho là đáng tin cậy. Một số dấu hiệu để nhận biết nỗi sợ này là các mối quan hệ của họ thường thiếu ổn định và ngắn hạn, họ hay ám ảnh bởi sự hoàn hảo cố để chứng minh bản thân xứng đáng.
Theo nghiên cứu của Descutner và Thelen (1991) cho rằng những người có nỗi sợ gần gũi, thì họ thường cô đơn hơn và ít có mong muốn chia sẻ về bản thân, không kết nối với xã hội và ít có nhu cầu lựa chọn hành vi đáng khao khát bởi xã hội hơn. Bên cạnh đó, Hazan và Shaver (1990) cũng phát hiện những người sợ gần gũi về mặt cảm xúc có xu hướng nghiện công việc cao hơn.
Nghiên cứu khác của Maitland (2020) cho thấy rằng xu hướng né tránh trải nghiệm thường dẫn đến nỗi sợ gần gũi cảm xúc, khiến cho những người mắc hội chứng này gặp khó khăn trong việc hình thành mạng lưới hỗ trợ xã hội cho chính bản thân cũng như từ chối xây dựng những mối quan hệ cá nhân mới, làm gia tăng sự cô đơn ở họ.
Ghen tị là cảm giác tủi nhục, được hình thành từ cảm giác tị nạnh và ghen tị ác tính. Ghen tị lành tính là những ý nghĩ tích cực và cảm giác muốn được như đối phương, để từ đó có động lực cải thiện bản thân. Trong khi đó, ghen tị ác tính ám chỉ các hành vi ganh ghét, có xu hướng muốn làm hại đối tượng bị ghét.
Bạn đã từng trải qua những điều này chưa? Điều gì đó về một người bạn và bạn cũng muốn được như họ?
Thân hình hoàn hảo – Ước gì mình cũng đẹp được như vậy
Thành công trong công việc mà không tốn nhiều công sức – Sao mọi thứ với mình lại khó khăn đến thế?
Luôn tràn đầy tinh thần nhiệt huyết đến khó chịu – Ước gì mình cũng có năng lượng như vậy.
Họ có những chuyến đi chơi tuyệt vời – Tụi mình chưa từng có những kì nghỉ như vậy.
Cuộc sống của họ trông thật thư thái, không âu lo – Tại sao lúc nào tụi mình cũng tất bật và quá tải thế nhỉ?
Đó là khi ta cảm thấy bản thân chưa đủ tốt, xen lẫn là cảm giác luôn bỏ lỡ thứ gì đó. Về bản chất, đó chính là ghen tị, là cái gai trong tâm tưởng do ao ước được sở hữu thứ thuộc về người khác như thân hình, tính kỷ luật, thành công, hay hôn nhân.
“Tất cả chúng ta – những kẻ đang sống – đều đang đi trên một hành trình vừa khám phá, vừa chữa lành cho chính mình. Và ngay cả khi đang mang trong mình một đứa trẻ bị tổn thương, chúng ta vẫn có thể bước tiếp để khám phá về thế giới, về chính mình. Và khi đứa trẻ tổn thương trong bạn bật khóc, hãy thấu hiểu và nhân từ, hãy nhìn vào bên trong và dỗ dành đứa trẻ, rằng ai trong chúng ta cũng đều có những vết cắt trong tâm hồn và không có ai là hoàn hảo.
Nếu chúng ta không thể chữa lành vết thương từ một nhà, chúng ta vẫn còn một đời để học về chính mình, để cảm thông và yêu thương bản thân nhiều hơn.” (Trích “Hành tinh của một kẻ nghĩ nhiều”).