Chuyên mục
Chấp nhận overtime vì không thể chịu được “ô nhiễm tiếng ồn” tại văn phòng trong giờ hành chính
Những năm gần đây, mô hình làm việc trong không gian mở đã trở thành xu hướng phổ biến tại nhiều công ty, đặc biệt là ở các agency.
Thay vì tách biệt trong các phòng làm việc riêng như trước đây, thì các nhân sự thuộc nhiều bộ phận với đặc thù công việc khác nhau vẫn có thể cùng làm việc trong một không gian chung, từ đó tạo nên môi trường làm việc năng động với nhiều sự tương tác hơn giữa các đồng nghiệp.
Nhưng, chính sự tấp nập và đông đúc của không gian làm việc mở, đồng nghĩa với việc các nhân sự ngày nay phải đối mặt với một “cơn ác mộng” khác mang tên “ô nhiễm tiếng ồn”: tiếng trò chuyện đùa giỡn, tiếng gõ bàn phím, tiếng chuông điện thoại, ……
Không gian “chuyên nghiệp ……. tiếng ồn”
Ô nhiễm tiếng ồn nơi làm việc có thể xuất phát từ rất nhiều nguồn. Bên cạnh sự ảnh hưởng của yếu tố bên ngoài như tiếng xe cộ, công trình thi công hay khu vực dân cư lân cận, tình trạng này cũng có thể xuất phát từ chính các nhân sự làm việc trong không gian chung.
Với tính chất công việc có nhịp độ nhanh, liên tục phát sinh task gấp, hoặc thường xuyên cần trao đổi và thảo luận ý tưởng, không gian làm việc tại các agency đôi lúc sẽ có phần sôi nổi và vô tình làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc của các nhân sự khác tại đây.
Khác với lý do phục vụ cho công việc, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn nơi công sở còn khiến nhiều người đau đầu hơn khi nó bắt nguồn từ sự vô tư của đồng nghiệp.
Thích nghi hay chịu trận
Theo một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm tiếng ồn nơi công sở có thể làm giảm đến 40% hiệu suất làm việc của nhân viên. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu khác cũng đã chỉ ra rằng việc phải thường xuyên làm việc trong một môi trường ồn ào sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đến sức khoẻ nhân sự.
Một số ảnh hưởng tiêu cực có thể kể đến như gây căng thẳng kéo dài, mệt mỏi, ảnh hưởng đến cảm xúc và khả năng sáng tạo hay thậm chí gây ra các bệnh về đau đầu, mệt mỏi, tác hại đến tim mạch, tăng huyết áp và rối loạn tiêu hoá.
Có nhiều cách đối phó với tình trạng ô nhiễm tiếng ồn nơi làm việc, tuy nhiên không phải cách nào cũng mang lại hiệu quả tối ưu. Và “đeo tai nghe và mặc kệ thế giới bên ngoài” là một giải pháp được đa phần các nhân sự lựa chọn. Tuy nhiên, một số khác lại không thể làm gì hơn ngoài việc… chịu đựng và chấp nhận làm ngoài giờ để có thể hoàn thành công việc được giao.
Văn hoá công ty là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc của nhân sự
Hầu hết các nhân sự khi được hỏi đều cho rằng không có một thang đo hoặc tiêu chuẩn cụ thể nào cho tiếng ồn nơi công sở bởi “độ miễn nhiễm” của mỗi người là khác nhau. Ý thức của nhân sự và văn hoá công ty là một yếu tố cực kì quan trọng ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc của nhân viên. Nếu công ty xây dựng được văn hoá làm việc văn minh, lịch sự thì tiếng ồn sẽ không phải là một vấn đề quá lớn.
Mỗi người sẽ có mức độ tập trung và phong cách làm việc khác nhau. Bên cạnh một số người chỉ có thể tập trung làm việc ở những nơi thật sự yên tĩnh thì cũng có nhiều nhân sự làm việc hiệu quả hơn khi ở nơi đông người.
Với một số người, môi trường náo nhiệt và có nhiều âm thanh mới thật sự kích thích tinh thần làm việc của họ. Đôi khi sự ồn ào ‘đúng người, đúng thời điểm’ sẽ giúp nhân sự có những phút giải trí bất ngờ và cảm thấy hào hứng hơn trong công việc, nhất là trong một môi trường nhiều áp lực như ở các agency.
Nhưng nếu bạn phải tập trung cao độ để hoàn thành deadline, đôi lúc công việc bị gián đoạn cũng chỉ vì đồng nghiệp “kém duyên” và phiền toái, thì đừng ngần ngại áp dụng một số biện pháp khắt khe hơn để “xử đẹp” bạn nhé. Chẳng hạn như báo cáo với quản lý, đề xuất dừng cuộc trò chuyện,… Bởi vấn đề bạn cần quan tâm là hoàn thành tốt công việc được giao. Năng lực bạn được đánh giá dựa vào hiệu suất giải quyết công việc chứ không phải bạn kết thân được bao nhiêu người. Tuyệt đối đừng e dè nếu bị làm phiền bạn nhé.