Chuyên mục
Bất kì 1 đứa trẻ nào đều mong muốn được sinh ra trong tình yêu thương của đấng sinh thành. Nhưng nếu đứa bé được tạo ra chỉ là do dục vọng của bậc làm cha làm mẹ thì đó chính là sự bất công đầu đời đối với chúng.
Thực trạng lối sống buông thả của giới trẻ
Các bạn cũng thấy, hiện nay do nền kinh tế hội nhập, giới trẻ tiếp thu nhiều thứ từ nhiều nền văn hoá khác nhau, lối sống cũng có phần thay đổi nhiều hơn so với thế hệ trước. Đặc biệt là trong đời sống tình dục.
Giới trẻ ngày nay đa phần có xu hướng sống khá “thoáng” . Các khái niệm “bạn tình” hay “sống thử” cũng không còn quá xa lạ với đại đa số các bạn trẻ.
Ví dụ như trường hợp của B – một cô bạn tôi quen từ thời còn làm công ty cũ, cô từng có thời gian dài du học ở nước ngoài nên lối sống có phần hơi phóng khoáng, nổi loạn. Và đối với cô, tình 1 đêm chỉ là chuyện bình thường chủ yếu để giải quyết nhu cầu sinh lý của đôi bên… Cô ta thường nói, không thích tiến tới một mối quan hệ nghiêm túc vì ghét sự ràng buộc. Nhưng rồi “đi đêm cũng có ngày gặp ma”, cô phát hiện mình mang bầu mà chính bản thân cô cũng không chắc rõ bố đứa trẻ trong bụng mình là ai. Cô tâm sự với tôi: “ Đứa bé chỉ là sự cố!”, nhưng hiện tại cô cũng chưa biết phải làm gì với cái bụng bầu đã hơn 3 tháng, cô nói sẽ cân nhắc thêm việc có nên để đứa bé hay không vì bản thân cô còn khá trẻ, và cũng chưa hề sẵn sàng làm mẹ. Khi nghe B nói tới đây tôi chỉ biết lắc đầu thở dài một cách ngao ngán.
Tôi không muốn đi quá sâu vào câu chuyện của B, vì dù gì đó cũng là việc riêng tư của mỗi người. Nhưng tôi cũng không hề đồng tình với tư tưởng lệch lạc của cô ấy.
Việc quan hệ bừa bãi cũng như không tìm hiểu rõ về đối tác tình dục, ẩn chứa rất nhiều nguy cơ cho chính cô và những người khác. Chẳng hạn như: mang thai ngoài ý muốn ( hậu quả mà B đang gánh chịu ) hay nghiêm trọng hơn là mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (lậu, giang mai, hiv…)… Với tư cách một người bạn, tôi khuyên B hãy suy nghĩ cho thật kĩ về đứa bé vì đó không chỉ là một “sự cố” như cô nói, mà còn là sinh mạng của một con người. Bên cạnh đó, tôi cũng khuyên B nên cân nhắc lại lối sống cũ của mình. Nghe tôi khuyên chân thành, B không đáp lại, chỉ im lặng rồi nhìn xa xăm. Tôi không biết cô đang nghĩ gì, và cũng không chắc cô sẽ nghe lời khuyên từ tôi, nhưng ít nhất tôi cũng cho cô ấy thấy một con đường khác mà cô có thể đi, thay vì cứ dấn thân vào những thú vui thể xác không lành mạnh trước đó.
Tiếp đến là trường hợp của Y – một bạn sinh viên nữ. Em ấy chia sẻ: “Phòng em trước đây có 2 người ở, bạn của em có người yêu rồi, em cảm thấy rất buồn và quyết định kiếm đại một người yêu để vơi đi nỗi buồn. Rồi chuyện gì đến cũng đến, tụi em đã quyết định về “sống thử” với nhau như vợ chồng. Ban đầu mọi chuyện đều khá vui vẻ, nhưng sau khi ở cùng một thời gian thì mâu thuẫn xảy ra mỗi lúc một nhiều hơn. Đỉnh điểm khi em biết mình có thai ngoài ý muốn, cũng là lúc em phát hiện ra mình bị bạn trai “cắm sừng”, anh ta đã lén lút qua lại với 1 cô gái khác lúc nào mà e không hề hay biết… Hiện tại, em rất đau khổ và thực sự quá bế tắc, không biết ăn nói thế nào với bố mẹ ở quê, cũng như nếu sinh con ra, em phải làm gì để nuôi con khi chuyện học của em vẫn còn đang dang dở.”
Yêu một lúc ba bốn người? Sống “vô tư” với bạn bè khác giới? “Chưa cưới mà có chửa”, “có con ở tuổi 17”, “sinh con ra rồi bỏ con”… Hàng loạt những câu chuyện dậy sóng của các cặp đôi mới lớn.… bất giác có những lúc nghe tin này tôi sững người mất vài giây.
Phải chăng các bạn trẻ đang sống “gấp” quá ? Tại sao chưa suy nghĩ kĩ lại bước vào một mối quan hệ? Tại sao không kiềm chế được bản thân mà sống cho cảm xúc nhất thời, lại còn không biết bảo vệ chính mình để gây ra những hệ luỵ đắng ngắt? Hãy thử suy nghĩ liệu sau này các bạn có hối hận về những việc mình đã làm? Vì một chút dục vọng mà làm hỏng cả một đời người. Hậu quả mang đến không chỉ là những vết thương lòng cho chính bạn. Đó còn là sự ảnh hưởng lớn đến cả gia đình, người thân và toàn xã hội.
“Sinh con để có người phụng dưỡng lúc về già.”
Có thể thấy, việc chăm sóc bố mẹ khi lớn tuổi là một truyền thống tốt đẹp, nhưng quan niệm sinh con với mục đích để có người phụng dưỡng không còn hợp lý ở xã hội ngày nay.
Tại sao tôi lại cho rằng, quan niệm sinh con để có người phụng dưỡng lúc về già là 1 quan niệm cổ hủ và không còn hợp lý nữa? Vì ở đây bố mẹ đang xem con cái như một công cụ để đổi lấy sự đảm bảo cho cuộc sống của bản thân sau này, mà không suy nghĩ đến cảm nhận của những đứa trẻ. Tư tưởng con cái phải phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già, làm tròn đạo hiếu vô hình chung khiến đứa trẻ vừa ra đời phải mang một gánh nặng trên vai.
Việc sinh con là một quyết định lớn và xuất phát từ tình yêu thương của bố mẹ, nó không nên được đưa ra chỉ vì mong muốn được nhờ vả sau này. Quan niệm này không chỉ làm tổn thương những đứa trẻ mà còn cho thấy sự ích kỷ trong suy nghĩ của bậc làm cha làm mẹ.
Những đứa trẻ ra đời không nên bị xem như công cụ, được bố mẹ đầu tư trước để đảm bảo cho cuộc sống sau này. Con cái nên được sinh ra từ tình yêu thương chân thành của bố và mẹ, điều đó mới có thể giúp xây dựng một gia đình hạnh phúc.
Hơn thế nữa, trong tương lai, những đứa trẻ có thể làm việc bận rộn, lập gia đình xa, hay có quá nhiều thứ cần bận tâm… thực tế hơi phũ phàng nhưng có lẽ họ sẽ không có nhiều thời gian kề cạnh bố mẹ.
Việc bố mẹ có suy nghĩ khi lớn tuổi sẽ sống phụ thuộc hoàn toàn vào con cái mà không có kế hoạch khác cho bản thân thực tế rất phiêu lưu. Nếu như những đứa trẻ có kinh tế không ổn định, hoặc không thể bên cạnh chăm sóc, cuộc sống có thể sẽ trở nên vô cùng khó khăn và bế tắc cho cả gia đình.
Mặc khác, khi con cái trưởng thành và đủ suy nghĩ, biết được lý do bản thân được sinh ra không xuất phát hoàn toàn từ tình thương thật sự, mà chỉ vì bố mẹ mong muốn có người để nhờ vả. Điều này có thể làm cho những đứa trẻ cảm thấy tổn thương. Việc chăm sóc bố mẹ sau này chỉ để trả ơn sinh thành và nuôi nấng, chứ không thể nhìn thấy được tình thương thật sự….
Chẳng phải bậc làm cha làm mẹ vẫn luôn mong con cái được hạnh phúc hay sao? Muốn con hạnh phúc, hãy cởi bỏ những trách nhiệm cho chúng.
Báo đáp cha mẹ nên là điều gì đó xuất phát từ trái tim và lòng biết ơn, thay vì đánh đồng tình cảm với tiền bạc hoặc nghĩa vụ hiếu thảo trước bậc sinh thành.
Quan niệm “trời sinh voi sinh cỏ”, đông con cho vui nhà vui cửa.
Xét về nghĩa bóng, câu tục ngữ đưa ra quan niệm về vấn đề sinh sản theo quy luật tự nhiên của con người: cha mẹ chỉ cần sinh con cái, còn lại con sẽ tự phát triển, trưởng thành theo tự nhiên mà không cần nuôi dạy tốn kém.
Xưa kia, khi mà con người mới trong giai đoạn khai hoang lập địa, công việc khai khẩn thường nặng nhọc nên cần nhiều lao động. Bởi vậy, ông bà xưa thường đẻ nhiều, coi việc nhiều con là một thứ tài sản đáng tự hào.
Ngoài ra, quan niệm này cũng là hệ quả do các cuộc chiến tranh ở nước ta để lại. Trong giai đoạn lịch sử đó, 2 miền Nam Bắc đều cần bổ sung nhân lực để tham chiến, dẫn đến việc ông bà ta có tư tưởng sinh nhiều con vì lí do lo lắng không có người nối dòng nối dõi.
Nhưng giờ đây,, quan niệm này đã trở nên cổ hủ, chỉ phù hợp với xã hội xưa, tư tưởng trong câu tục ngữ đã không còn nguyên giá trị nữa bởi sự phát triển quá nhanh của nền kinh tế và đặc biệt là sự bùng nổ, khủng hoảng dân số.
Không chỉ vậy, vấn đề nuôi dưỡng, dạy bảo con cái cũng rất phức tạp khi bậc cha mẹ mải mê chạy theo công việc hoặc không đủ điều kiện sống.
Bằng chứng là có rất nhiều trẻ em được sinh ra nhưng lại phải sống trong trại trẻ mồ côi, làng trẻ SOS vì bị bỏ rơi hoặc cha mẹ gửi nhờ “nuôi hộ”. Đau lòng hơn cả là biết bao trẻ sơ sinh, thậm chí có những em bé còn chưa kịp chào đời đã bị chính mẹ ruột của mình vứt bỏ vì nhiều nguyên do, mà chủ yếu là sự vô tâm và vô trách nhiệm của con người.
Có thể thấy, đứa trẻ được sinh ra trong gia đình có kinh tế kém nhưng đông con, chúng thường không được nhận sự giáo dục một cách đầy đủ, chúng chỉ quanh quẩn ở nhà trông các em và phụ giúp công việc bếp núc từ rất sớm. Hoặc số khác, đang tuổi ăn tuổi chơi nhưng buộc phải bươn chải kiếm tiền phụ giúp kinh tế cho bố mẹ vì cảnh nhà quá đông các miệng ăn…
Đông con thực sự có còn vui nữa không, khi làm gì có đủ điều kiện để chăm lo cho các con đầy đủ? Thậm chí cái ăn, cái mặc còn thiếu lên hụt xuống, đừng nói đến việc cho con đi học kiến thức, làm hành trang bước vào tương lai? Những con người mang danh là cha là mẹ vô tình đã cướp mất đi tuổi thơ cũng như tương lai tươi sáng của các con bằng những suy nghĩ thiển cận và vô trách nhiệm của mình.
Vậy nên, trong xã hội như hiện nay, những quan niệm như “trời sinh voi sinh cỏ” hay “sinh con càng đông càng vui” đã không còn phù hợp nữa mà thay vào đó nên tiếp thu những tư tưởng mới, mở mang thêm nhiều kiến thức. Thay vì gia tăng “số lượng” các con, tôi nghĩ chúng ta nên tập trung cố gắng cải thiện “chất lượng” của cuộc sống, để có thể chăm lo đầy đủ cả vật chất lẫn tinh thần cho các con của mình.
Suy cho cùng, những đứa trẻ cần có một tuổi thơ hoàn chỉnh để có thể trưởng thành một cách tốt nhất. Tôi thường hay nói thế này: “Không phải sinh con ra là xong, nó là cả một hành trình nuôi dưỡng và trưởng thành cùng con!”. “ Trẻ em không có tội” Các bậc làm cha làm mẹ xin hãy nhớ đừng để con được sinh ra chỉ nhằm để thoả mãn sự ích kỷ hay dục vọng của bản thân mình. Điều đó hoàn toàn không công bằng đối với chúng! Trẻ con chỉ nên được sinh ra từ tình yêu thương của cha mẹ. Và tình yêu đó còn phải đi đôi với 2 từ “trách nhiệm”.
Còn đối với các bạn trẻ, chúng ta hãy là người sống văn minh, chín chắn, sống có trách nhiệm với chính mình và người khác. Sống cởi mở nhưng phải có nguyên tắc, hãy trang bị thêm nhiều kiến thức và thật sự cẩn trọng trong các mối quan hệ để tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc dẫn đến gánh nặng cho bản thân, gia đình và cả xã hội.
Đừng huỷ hoại cuộc đời và tương lai chỉ vì những cảm xúc đam mê hay ham muốn nhất thời, hành động hôm nay của bạn sẽ là hệ quả tương lai.Hãy suy nghĩ cho thật kỹ trong mỗi việc mình làm. Và trước khi đưa ra những quyết định là bước ngoặt của cuộc đời – hãy nhớ dừng lại nếu chưa thật sự đủ hiểu…