Chuyên mục
“NÀY NGƯỜI LẠ ƠI, BẠN ỔN CHỨ? “
Sau này bạn sẽ phát hiện, thứ thật sự có thể chữa lành bạn không phải nhân loại, mà là giấc ngủ, đồ ăn ngon, mấy bé thú cưng đáng yêu, và tiền. (Phi Hành Gia dịch)”. Là tất cả những gì mà một thế hệ lo âu như chúng ta cần.
Bạn biết không, thế giới đang gọi chúng ta là thế hệ của những nỗi lo, thế hệ “đón đầu” những áp lực. Nếu so sánh với Gen X được coi là “Thế hệ tuyệt vời nhất” (The greatest generation), thì Gen Y – thế hệ Millennials (những người sinh từ 1981 đến 1996) lại được biết đến với cái tên gọi khác không mấy hay ho – “thế hệ lo âu” (the anxious generation).
Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y Tế năm 2017, có 15% dân số gặp các vấn đề về rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn stress, tương ứng với trên 10 triệu người. Đây chính là hồi chuông cảnh tỉnh về hội chứng này và lý giải vì sao thế hệ trẻ ngày nay lại có mức độ lo âu cao hơn những thế hệ trước. Những nỗi lo không chỉ nằm trong phạm vi cảm xúc nhất thời nữa, nó đang dần trở thành một căn bệnh phổ biến và tăng cao, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.
“Tôi muốn chia sẻ với mọi người về nỗi sợ của mình – nỗi sợ bị lãng quên”, chính nhân vật August đã bắt đầu câu chuyện về những vì sao sai lối như thế trong bộ phim “The fault of our stars” (Khi lỗi thuộc về những vì sao).
Việc “khẳng định giá trị bản thân” khiến cho chúng ta luôn sống trong nỗi băn khoăn, ám ảnh về sự tồn tại của mình. Phần lớn là những người mang trong mình những hoài bão to lớn, mong muốn tạo nên dấu ấn riêng của bản thân mình cho cuộc đời, cho xã hội là những người dễ mắc chứng rối loạn lo âu nhất. Nhưng trên con đường thực hiện khao khát ấy, họ lại dần đánh mất bản thân, dần “chết mòn” trong chính giấc mơ của mình, bởi muôn vạn ngã rẽ, muôn vàn lý do. Vì đối với họ, “giá trị bản thân” là điều gì quá đỗi to lớn trong tâm trí, nhưng ở thực tại, thân thể ấy lại nhỏ bé với thể giới này.
“Điều phi thường nhỏ bé” chủ đề chính của chương trình We Choice Award 2019, nó đã khiến tôi xúc động khi chạm được đến những người trẻ – thế hệ của những nỗi lo.
“Và mình là ai trong bao nhiêu đây, hạt cát kia giữa sa mạc?”, “Rồi một ngày ta tan biến như bao tinh tú kia giữa thiên hà?.”
“Chúng ta đều là những người bình thường. Nhưng nếu chúng ta làm hết sức, trước hết sẽ là điều phi thường với chính bản thân mình, điều mình chưa từng làm trước đó. Nếu nỗ lực hơn nữa vì ích lợi của những người khác, nó sẽ lan tỏa thành điều phi thường cho toàn xã hội.”
Ngoài chính bản thân ra, thì không ai có thể cứu rỗi chúng ta khỏi những lo âu. Vì vậy, hãy hiểu rõ bản thân trước khi mơ mộng những thứ xa vời khỏi tầm tay. Sau đó, từng bước một, chạm tới giấc mơ của mình. “Thà thắp lên một ngọn nến nhỏ, còn hơn ngồi đó và nguyền rủa bóng đêm.”
Trước những bữa cơm tối, tôi thường hay nổi đóa với bố mẹ mình. Đó là khi họ nhắc đến định hướng tương lai của tôi, cụ thể là hai từ “ổn định”. Với bố mẹ, cuộc đời tôi sau này chỉ cần trải dài trên con đường “đầy hoa” mà biết bao đời anh chị đã từng đi trước đó.
Có vẻ như những gì tôi đang làm, đang theo những đam mê, lại khiến họ có cảm giác không an toàn, “không ổn định”. Với bố mẹ, an toàn chính là phải theo thước đo của chuẩn mực xã hội, chẳng hạn như sau khi tốt nghiệp, tìm ngay một công việc nhà nước rồi cố gắng cày cuốc leo đến mức lương 20 triệu, sau đó lấy vợ và sinh con. Họ thậm chí đã chuẩn bị sẵn cho tôi một khoản tiền chạy chọt để tôi có một công việc ưng ý. Mỗi lần như vậy, tôi thường không kiềm chế được cảm xúc của một đứa trẻ “tuổi ăn tuổi lớn” đầy ắp những ước mơ dời non lấp bể, tôi muốn để lại một dấu ấn thực sự trước khi bàn đến 2 từ “ổn định”.
Bố mẹ chúng ta, họ sinh ra trong một xã hội thiếu thốn đủ thứ, họ luôn phải lao động ngay từ khi còn nhỏ và chịu khổ cực từ rất sớm chỉ để hàng ngày có được miếng cơm manh áo, chi trả cho cuộc sống mưu sinh. Vì đã trải qua nhiều chục năm khổ ải nên bố mẹ là người hiểu nhất nỗi khổ cực khi không được “ổn định” là thế nào. Và đơn giản họ mưu cầu một cuộc sống tốt cho con cái là điều hoàn toàn không sai, tôi thậm chí hiểu rất rõ điều đó. Nhưng vô tình họ lại khiến con cái luôn sống trong một hệ tư tưởng khuôn mẫu, bó hẹp, không hoài bão, không đam mê. Chính cái “quy trình” ấy đã tạo nên nhiều bản sao con người cùng đi trên một con đường và cho rằng điều đó là rất bình thường. Thế hệ Millennials ngày hôm nay, phần lớn đều là “sản phẩm” của “quy trình” ấy, vì họ là những người gần nhất tiếp xúc thế hệ trước và đang trong giai đoạn quyết định của cuộc đời.
Tôi có quen biết vài người anh người chị khi vừa tốt nghiệp xong đã vội vã đám cưới rồi sinh con. Họ ám ảnh bởi chuẩn mực xã hội, áp lực bởi những điều luật của người lớn đặt ra và không dám bước ra khỏi vùng an toàn. Hay đúng hơn hết, họ không thể tìm kiếm riêng cho mình một lối đi để khẳng định bản thân, họ muốn sống an toàn và giống như bao người khác. Tất nhiên tôi không muốn quy chụp cả một thế hệ ai cũng như vậy nhưng có lẽ phần lớn những người thuộc Millennials đều như vậy. Và rồi, một lần nữa, tư tưởng “ổn định” lại bắt đầu đốn ngã những người trẻ ở thế hệ Z.
Được coi là thế hệ đầu tiên tiếp xúc với thời đại bùng nổ về internet và mạng xã hội, thế hệ Millennials bị “bội thực” bởi công nghệ và thông tin, bị đè nặng bởi những thành công của bạn bè xung quanh khi ai cũng có những bucket list, to-do list, danh sách 100 việc phải làm trước… khi chết, 10 thành phố phải đến ở Châu Âu…
Thấy bạn Đại Học đăng tấm hình mới ứng tuyển được vị trí cấp cao, còn bạn vẫn lẹt đẹt là một nhân viên quèn. Bạn cảm thấy mình kém cỏi.
Đứa em họ thì đang check-in tại một đất nước khác với những món đồ xa xỉ, sang chảnh, trong khi mình lại bám dí ở văn phòng 8 tiếng mỗi ngày. Bạn thấy thật bất công.
Bạn thân thì khoe ảnh vui vẻ cùng người yêu xem Netflix, còn mình thì cô đơn nơi góc phòng bốn bức tường. Bạn ganh tị.
Mạng xã hội cũng chính là một phần nhỏ khiến mức độ lo âu ở thế hệ trẻ được tăng lên. Từ đó xuất hiện “hội chứng sợ bị bỏ lỡ” (fear of missing out hay FOMO) làm cho thế hệ này thường xuyên có cảm giác thất vọng và bất an, tự ti và không thoả mãn với những gì mình có.
Bạn hãy thử tạm xa chiếc smartphone của mình, tắt mạng wifi và lắng nghe trái tim mình nói gì. Vì bạn không cần phải tham gia cuộc đua ấy – cuộc đua với mạng xã hội, bởi vì sẽ không có ai chiến thắng cả. Bạn có chắc, những điều bạn thấy trên mạng là sự thật? Ở đây có một sự thật bạn cần thấy rõ, đó là sức khỏe tâm lí của bản thân bạn đang dần yếu đi. Hãy tìm đến những sự trợ giúp, tình cảm chân thành từ những người xung quanh mình, những người bạn thật sự yêu thương, và họ cũng yêu thương bạn.
“NÀY NGƯỜI LẠ ƠI, MÌNH MUỐN GỬI ĐẾN BẠN!
Nếu bạn đang lạc lối thì hãy nghỉ ngơi, có thể là ngủ một giấc thật ngon, ăn món mình yêu thích và chăm sóc những chú boss của mình. Tôi biết bạn cũng đã rất cố gắng đi được đến đây rồi, dù cho có điều gì hối tiếc, mong bạn có được bốn mùa vô lo, những điều tốt đẹp sẽ tới.
Tôi mong rằng, tôi và bạn, thế hệ của chúng ta, trong tương lai, sẽ không còn bị gọi là “thế hệ của những nỗi lo” nữa.