Chuyên mục
Khái niệm self-help book tưởng như rất mới, nhưng thực ra có thể bạn đang đọc chúng mà không biết. Chỉ có điều, tác dụng của nó không “màu hồng” như chúng ta vẫn tưởng
Trong thời đại 4.0 ngày nay, giữa sự nhiệt huyết và năng nổ không ngừng nghỉ của thế hệ GenZ thì việc học hỏi, trau dồi kiến thức là một điều vô cùng quan trọng. Và tất nhiên, đã là GenZ thì việc học đang dần được phổ cập một cách nhanh chóng và hiệu quả. Có rất nhiều cách để tiếp thu nguồn tri thức tinh hoa của nhân loại và không thể thiếu sách.
Self-help Book – còn gọi là “Sách Tự Lực”, được hiểu như là loại sách có ý nghĩa hướng dẫn để giúp người đọc tự hoàn thiện mình hoặc giải quyết các vấn đề cá nhân thông qua những điều thú vị được viết trong sách. Đó có thể là thứ cho ta tu tâm, tu tính – dạng như sách “Học Làm Người”, hoặc cuốn “Đắc Nhân Tâm” rất nổi tiếng bấy lâu nay.
Liều thuốc vực dậy tâm hồn và chữa lành tinh thần
Sách Self-help dễ khiến bạn đọc đồng cảm vì nắm bắt đúng tâm lý người đọc. Hầu hết chúng ta đều có phải đối mặt với một số vấn đề nhất định trong cuộc sống như mông lung trong định hướng bản thân, thất bại trong công việc, đổ vỡ trong tình cảm,… Đây cũng là những chủ đề các sách phát triển cá nhân thường xuyên khai thác. Ví dụ sách Self-help kể một câu chuyện về một sinh viên bình thường, lạc lối trong chính con đường mình lựa chọn, cô đơn giữa nơi thành thị đông đúc chắn hẳn sẽ khiến nhiều người thấy đồng cảm và được chia sẻ vì thấy chính bản thân mình trong đó. Từ đó mà thông điệp tác giả gửi gắm trong câu chuyện dễ dàng đi vào tâm trí người đọc.
Sách Self-help truyền động lực và hướng người đọc đến một thái độ tích cực. Theo công thức quen thuộc của sách Self-help, sau khi cho người đọc cảm giác đồng cảm với hoàn cảnh của bản thân, tác giả sẽ cho thấy quá trình thay đổi và đạt được kết quả mà người đọc hằng mơ ước. Điều này truyền cho người đọc động lực mạnh mẽ về khả năng bản thân có thể đạt được thành công như những nhân vật được nhắc đến. Sách Self-help lúc này như vẽ ra một con đường mà người đọc chỉ cần đi theo để biến mơ ước thành hiện thực. Do đó, khi gặp khó khăn, nghịch cảnh trong cuộc sống, đọc thể loại sách này sẽ giúp chúng ta có một quyết tâm lớn để hành động và thay đổi.
Con dao hai lưỡi
Trong nhiều trường hợp, sách Self-help giống như “chất gây nghiện”. Khi đọc một cuốn sách thể loại tự lực, người đọc sẽ thấy tràn trề năng lượng, tự tin đạt được tất cả mọi thứ. Nhưng cảm giác này không kéo dài được lâu. Vì vậy, bạn đọc lại tìm thêm những cuốn sách cùng thể loại để tiếp tục tận hưởng cảm giác thỏa mãn ấy. Cuối cùng thay vì bắt tay vào xử lý vấn đề, bạn đọc thích đắm chìm trong những cuốn sách Self-help “che mắt” thực tại hơn. Dần dần, họ sẽ lười nhác cả trong suy nghĩ và hành động, khi vấn đề vẫn còn thì họ vẫn tìm đến sách Self-help.
Với nhu cầu “tiêu thụ” sách Self-help lớn như hiện nay, không ít sách kém chất lượng, đạo nhái ở thể loại này được xuất bản. Vì mục đích lợi nhuận, người ta dùng không ít chiêu trò thần thánh công dụng của những cuốn sách đó “lên trời”. Điều này khiến cho sách kém chất lượng hoành hành còn người đọc thì rơi vào mê cung không biết cuốn sách nào mới thực sự có ích cho mình.
Gần đây tranh cãi đã nổ ra trên mạng xã hội từ chia sẻ của một bạn nữ về em trai lên lớp 7, dù đã đọc sách self-help, nhưng vẫn quyết định dùng nắm đấm để giải quyết mâu thuẫn với bạn.
“Cún học lớp 7, bắt đầu có biểu hiện quan tâm đến sách self-help, phát triển bản thân các thứ. Một hôm Cún tâm sự:
“Hôm trước ở trên lớp, em tức thằng kia lắm. Mà em biết em đang nóng giận, sợ hành động sẽ bị sai. Nên em ngồi xuống ghế, im lặng suy nghĩ đúng 3 phút, em đã làm y như trong sách. Xong em vẫn quyết định đấm nó”.
Tôi câm nín.”
Câu chuyện đã làm nổ ra một cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội, với nhiều ý kiến trái chiều về sách self-help. Một bộ phận đánh giá sách self-help có nhiều điều hão huyền, hay nói đạo lý, nhiều cuốn có nội dung na ná nhau,… Trong khi đó, nhiều người cho rằng sách self-help đưa ra những lời khuyên có ích, động viên tinh thần. Một số người khác có ý kiến trung lập, cho rằng cần chọn lọc đọc bất cứ loại sách nào, chứ không riêng sách self-help.
Trong mỗi chúng ta, ai cũng đều có mục đích sống hay động lực của riêng mình. Có người là gia đình, còn người khác thì tìm thấy nó trong tín ngưỡng, công việc hay sở thích của họ. Bất luận chúng là gì chăng nữa, chúng đều mang cho ta mục tiêu của cuộc đời, và hãy chắc chắn rằng ta luôn giữ bản thân được sống trong nó.
Cuối cùng, muốn làm tốt phải áp dụng tốt nguyên tắc. Tình thế trở nên tốt hay xấu đều phản ánh thái độ của chúng ta khi đối mặt với chúng. Một số người trong chúng ta phải chịu những tai họa như mất việc, tuột mất mối quan hệ hằng mong ước.
Nhưng rồi, tất cả phải nhận ra rằng trong bất kì tình huống xấu nào, chỉ cần cố gắng tìm kiếm những điều tích cực và lấy đó làm điểm tựa tinh thần thì mọi chuyện sẽ đâu vào đấy hết mà thôi.