Ranh giới mong manh giữa việc yêu bản thân và đề cao cái tôi quá mức

report

Trong xã hội hiện nay, có lẽ chúng ta đã quá quen thuộc với thuật ngữ self-love. Nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi rằng: Mình đang yêu bản thân hay chỉ đang vướng vào mớ hỗn độn của sự “ái kỷ”?

1/ Khái niệm và sự khác biệt:

  • Khái niệm:
  • Yêu bản thân (self-love) là sự thỏa hiệp, chấp nhận với chính mình, đồng tình cho bản thân được phát triển đúng với bản chất của mình, đó còn là sự trách nhiệm đối với sức khỏe tinh thần, vật lý và tâm hồn của bản thân. Và sự trách nhiệm không phải lúc nào cũng là chiều chuộng, nghe theo cảm xúc của chính mình, mà còn là sự kỉ luật, kiên trì và can đảm vượt qua trở ngại trước mắt. 

Yêu bản thân gắn liền với sự tôn trọng, ở đây là chính bản thân mình, và những người xung quanh. Tự yêu bản thân không có nghĩa là bạn chỉ yêu lấy mình mà bỏ mặc những người khác. Đây cũng chính là yếu tố cốt lõi để phân biệt một người đang yêu bản thân hay là đang “tự luyến”.

  • Sự ái kỷ “narcissism” hay còn gọi là “tự luyến”( từ để chỉ những người yêu thương bản thân quá đà đến mức độ tiêu cực)  thường lấy self-love làm khiên chắn để biện hộ cho những hành vi lợi dụng lòng tốt và sự yêu thương của đối phương trong một mối quan hệ. Những người ái kỷ luôn yêu bản thân quá mức để có thể nhận ra những khuyết điểm của mình (kể cả khi đã được chỉ ra). Họ luôn thấy rằng mình hoàn hảo và chẳng có gì cần thay đổi nên đối phương mới là người cần làm điều đó.

Trên hết, họ thường sẵn sàng hi sinh nhu cầu của người khác để thỏa mãn mong muốn của mình. Nó luôn bắt đầu từ những thứ nhỏ nhất rồi lớn dần lên.

  • Sự khác biệt: Ranh giới mong manh giữa việc yêu bản thân và sự ái kỷ

Yêu bản thân là khi bạn yêu cả những mặt tốt và chấp nhận rằng mình có cả những mặt chưa tốt, cần khắc phục và cố gắng hơn. Vì người yêu bản thân bao dung với chính mình, họ cũng sẽ bao dung với người khác, chấp nhận người khác cũng có mặt hoàn thiện và mặt chưa hoàn thiện như mình. 

Còn Ái kỷ là chỉ thấy mặt tốt, đôi khi phóng đại mặt tốt đó lên và hoàn toàn chối bỏ những mặt chưa tốt trong mình. Vì thế người Ái kỷ hay chê bai, bỉ bôi, dìm người khác xuống để nâng cái tốt ở mình lên.

Yêu bản thân là chấp nhận rằng mình có những sai lầm và mình đang trên tiến trình phát triển, vì thế họ cũng tôn trọng tiến trình phát triển của người khác. 

Còn Ái kỷ luôn cho rằng mình đúng, bao biện rằng mình không sai, chỉ có những người khác là sai mà thôi. Thực ra người Ái kỷ rất sợ bị đánh giá, họ không tự tin đâu, họ chỉ thể hiện ra như vậy mà thôi.

Nên hoá ra người ái kỷ còn không yêu bản thân họ, không yêu con người thật của họ hay quá khứ, nguồn gốc của họ. Người ái kỷ chỉ yêu hình ảnh mà họ vẽ nên. Nếu ai tung hô họ thì họ chơi cùng, còn ai không ủng hộ họ, họ sẽ không những không chơi cùng mà còn nung nấu việc dìm người đó xuống. Họ rất dễ bất an, mất bình tĩnh khi bị phản đối và rất khó kết nối sâu sắc với người khác. Trong khi đó, người yêu bản thân hiểu giá trị của mình và tôn trọng giá trị của người khác, họ tự tin, sống hài hoà và dễ dàng kết nối hơn.

Người Ái kỷ sẽ không quan tâm đến cảm xúc và nhu cầu của người khác, vì họ bận lo lắng cho hình ảnh của mình trước mặt mọi người. Trong khi người Yêu bản thân dễ dàng thấu hiểu và thông cảm với người khác, thậm chí không ngại nâng người khác lên vì họ tự tin và cảm thấy an toàn trong thế giới này.

Suy cho cùng, có một ranh giới rất mong manh giữa hai điều này. Miễn là bạn không quá ích kỷ, biết yêu thương mình và cả những người xung quanh, đó chính là bạn đang đi đúng hướng. Còn khi self-love vượt quá giới hạn và trở thành một sự “ám ảnh”, khi đó nó sẽ trở thành “ái kỷ” và tất nhiên nó sẽ đẩy lùi bất kỳ ai ra khỏi cuộc sống của bạn.

Người yêu bản thân luôn biết cách chăm sóc và làm bản thân vui vẻ tích cực.
Người yêu bản thân luôn biết cách chăm sóc và làm bản thân vui vẻ tích cực.

Trong thời đại nơi mà chúng ta được tiếp cận với đủ phương cách để thỏa mãn cảm xúc của bản thân, định nghĩa về “Yêu bản thân” đôi khi trở thành cái cớ để ta trốn tránh trách nhiệm và ở mãi trong vòng tròn an toàn. Đôi khi nó còn bị mang ra để làm tổn thương và lợi dụng cảm xúc của những người yếu đuối hơn.

“Anh yêu em nên anh phải đợi cả tiếng đồng hồ dưới nhà?”

“Em yêu anh nên em phải tha thứ cho anh sau những lời nói tệ bạc mà anh lỡ nói ra chứ?”

“Mày là bạn thân tao nên mày phải làm cái này, cái kia cho tao?”

“Có thế thôi mà cũng khóc?”

Bạn có thấy quen không? Tôi đã biết bao lần nghe những câu chuyện, và chính bản thân cũng đã trải qua những tình huống như thế này. Nó mang đến cho chúng ta cái cảm giác tồi tệ và cực kì độc hại, một “cảm giác không đủ, không xứng đáng với đối phương”.

Nếu bạn từng trải qua tình huống như vậy, có lẽ bạn đang ở trong một mối quan hệ với người ái kỷ (narcissist).

2/ 7 dấu hiệu thường thấy ở người “ái kỷ

  • Người ái kỷ thường xuyên nói dối và phóng đại mọi chuyện

Người ái kỷ có thể nói dối về mọi thứ, chứ không dừng lại ở những vấn đề cá nhân. Họ thêu dệt những câu chuyện theo hướng có lợi cho mình, mục đích là để bảo vệ hình ảnh thể hiện ra bên ngoài. Điều này khác với người thao túng tinh thần (gaslighter) nói dối để thiết lập chủ quyền và sự kiểm soát.

Nếu người bình thường cảm thấy ‘tim đập, chân run’ khi nói dối, thì người ái kỷ lại xem đây là điều giúp họ lấy lại bình tĩnh. Họ thừa hiểu rằng mình đang lừa bịp, nhưng lại không có đủ nhận thức về hậu quả của việc này.

  • Người ái kỷ không bao giờ thừa nhận sai lầm và nổi nóng khi bị chỉ ra

“Anh dựa vào đâu mà nói tôi như thế?”

“Tôi làm vậy bao giờ!”

“Chị thì cũng có tốt đẹp gì.”

Những câu nói trên đi kèm với những hành động như đóng cửa thật mạnh, tỏ thái độ cáu gắt,… là những phản ứng thường thấy của người ái kỷ khi nhận lời phê bình của người khác.

Những người ái kỷ vô cùng tự ti. Chính vì vậy, họ ngay lập tức nổi đoá với bất kỳ ai muốn chỉ trích họ. Cách họ phản ứng lại luôn là gây hấn thụ động hoặc công kích cá nhân chứ nhất quyết không chịu trách nhiệm cho sai lầm của mình.

  • Tạo ra hình ảnh sai sự thật về mình

Mặc dù vô cùng tự ti, nhưng người ái kỷ lại luôn muốn được người khác thán phục. Do đó, họ phải che giấu con người ấy bằng cách dựng lên một hình ảnh khác với bản thân mình, tạm gọi là “cái tôi giả” (false-self).

Độ phủ sóng của mạng xã hội đã khiến tình trạng này càng thêm nghiêm trọng. Không dừng lại ở việc làm mọi thứ để gây sự chú ý trên mạng, người ái kỷ còn xem việc bắt nạt trực tuyến (cyberbullying) là một cách để thể hiện sức mạnh của mình.

Người có khuynh hướng ái kỷ luôn tự cho mình là cái rốn của vụ trụ
Người có khuynh hướng ái kỷ luôn tự cho mình là cái rốn của vụ trụ

  • Luôn phá vỡ mọi luật lệ và vượt ranh giới

Người ái kỷ thường phá vỡ luật lệ và chuẩn mực xã hội, chẳng hạn như chen hàng, vượt luật giao thông. Đặc điểm là một sự phiền toái, thậm chí là mối nguy hiểm đối với cộng đồng và chính người ái kỷ đó. Việc một số người Mỹ không tuân thủ các biện pháp phòng chống COVID-19 cũng là biểu hiện của ái kỷ.

Ngoài ra, họ thường xuyên mặc kệ ranh giới mà người khác đặt ra, bao gồm tài sản, không gian cá nhân, suy nghĩ và thời gian. Theo lời nhà tâm lý học: “Nếu bạn là người ái kỷ, bạn sẽ phải có bằng được điều mình muốn. Nếu điều bạn muốn không giống với nguyên tắc, bạn sẽ bỏ qua cả nguyên tắc.”

  • Không có sự cảm thông với người khác

Dù luôn phủ định sai lầm của mình, người ái kỷ lại rất nhanh nhạy trong việc chỉ ra khuyết điểm hoặc đổ lỗi cho người khác. Nói như vậy, không có nghĩa là người ái kỷ không biết thấu cảm. Chính xác hơn, họ không có đủ năng lực để bày tỏ điều ấy. Đôi khi, khả năng bày tỏ sự thấu cảm đã bị vùi lấp bởi bức tường mà người ái kỷ dựng lên để bảo vệ hình ảnh và cái tôi của mình.

  • Người ái kỷ thao túng và lợi dụng người khác

Những người ái kỷ là bậc thầy trong việc thao túng và lợi dụng. Tất cả những việc họ làm, từ tỏ ra là mình ‘biết tuốt’, có khả năng lo toan mọi thứ, cho đến việc lựa chọn nghề nghiệp đều dẫn tới một mục đích là để điều khiển người khác.

Đặc biệt, việc các bậc cha mẹ ép con cái phải sống theo ý mình, hoàn thành những ước mơ dang dở của họ cũng là một biểu hiện của ái kỷ. Theo lời nhà tâm lý học Michele Leno, “Người ái kỷ biết yêu thương. Tuy nhiên, do họ muốn kiểm soát bạn, tình yêu đó lại mang tính điều kiện và yếu ớt”.

  • Rất dễ bị mắc lừa

Tưởng rằng những người ái kỷ là những kẻ “khôn lỏi”, nhưng sự thật là họ lại vô cùng non nớt về nhận thức. Theo tiến sĩ Sam Vankin, những người ái kỷ dễ mắc vào bẫy lừa đảo đầu tư hoặc những việc tương tự. Lý do là họ đã tự xây dựng cho mình một thế giới cổ tích, nơi họ đã định sẵn là toàn năng, được ưu ái và miễn mọi hậu quả. Chính vì vậy, họ bị vỡ mộng khi cuộc đời thật sự lại không như thế.

Họ làm liều vì không cho rằng mình có thể mất mát, đòi hỏi vô lý vì cho rằng mình xứng đáng, và nói dối vì cứ ngỡ rằng chẳng ai nhận ra. Những công thức về nhân sinh của người ái kỷ không phải lúc nào cũng đúng, nhưng họ vẫn cứ làm theo, vì họ cho rằng mình không thể sai được.

Nói chung, ái kỷ là một hành vi cực kỳ độc hại. Bên dưới vỏ bọc “yêu bản thân”, người ái kỷ cho phép mình được bóp méo sự thật, chối bỏ chính mình để tạo nên một phiên bản khác “giả trân”. Hội chứng yêu bản thân quá mức gây ra nhiều ảnh hưởng đối với phương diện xã hội (các mối quan hệ, công việc, học tập,…).

Người ái kỷ cho phép mình được bóp méo sự thật, chối bỏ chính mình để tạo nên một phiên bản khác “giả trân”
Người ái kỷ cho phép mình được bóp méo sự thật, chối bỏ chính mình để tạo nên một phiên bản khác “giả trân”

Cảm xúc cùn mòn, tâm lý thiếu ổn định và nhạy cảm quá mức với thất bại của bản thân cũng khiến cho người “ái kỷ” phải đối mặt với nhiều vấn đề tâm lý khác. 

“Hãy nhớ rằng khi không đạt được những gì bạn muốn, đôi lúc, lại là sự may mắn tuyệt vời.” - Đức Đạt Lai Lạt Ma
“Hãy nhớ rằng khi không đạt được những gì bạn muốn, đôi lúc, lại là sự may mắn tuyệt vời.” – Đức Đạt Lai Lạt Ma

Bên cạnh đó, ranh giới giữa yêu bản thân và sự ái kỷ giống như một đường cát có thể mờ đi trong mùa bão gió. Đôi khi chính chúng ta cũng không biết được mình đang yêu bản thân hay là đang ái kỷ. Và trên con đường đi tìm bản thân mình, tìm những hệ giá trị của mình, chúng ta có thể bị nhầm lẫn hoặc sa đà là điều khó tránh khỏi. Nhưng điều quan trọng nhất là ý chí không ngừng tìm hiểu bản thân, và nhìn thấu mình trong thế giới rộng lớn muôn màu này. Nếu việc làm của bạn xuất phát từ lòng tốt, ý thức tự chủ và sự soi chiếu, bạn đang đi đúng hướng rồi đó.

Tóm lại, yêu bản thân đúng cách, đó không phải là một tình yêu vị kỷ, mà đó là sự nỗ lực hoàn thiện mình khiến bản thân trở nên xứng đáng để đón nhận những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Tin nổi bật
Truyền thông
06/06/2024

Bố Angela Phương Trinh đau lòng tiết lộ về sự thay đổi không thể tin của con gái

Bố Angela Phương Trinh đau lòng tiết lộ con gái biến chất, bị kẻ xấu lôi kéo hơn 1 năm nay, mang...
Truyền thông
05/04/2024

Bà Nguyễn Phương Hằng: “Bị cáo có tội nhưng cũng có tâm”

Tính từ lúc bà Phương Hằng bị tạm giam vào ngày 24/3/2022, đến nay, bà đã chấp hành án được...
Truyền thông
02/04/2024

Chính thức xử phạt một tiktoker vì nói “Sài Gòn là nơi lý tưởng của tội phạm”

Tiktoker Nhật Hải Biết Tuốt vừa bị Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang xử phạt vì có...
Truyền thông
01/04/2024

Tesla và trò đùa Cá Tháng Tư của Elon Musk tưởng như vô hại

Cá tháng Tư tuy là ngày lễ không chính thức nhưng lại được phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới,...