Chuyên mục
Bạn có đang vướng vào vòng xoáy chi tiêu khi sử dụng các phương thức thanh toán không tiền mặt? Bạn không đơn độc, câu chuyện của Thanh Huyền và Bảo Châu là ví dụ điển hình cho hệ lụy của việc “vung tay quá trán” khi không sử dụng tiền mặt.
Chỉ trong nửa tháng, Huyền đã tiêu gần hết 20 triệu đồng lương chỉ vì “mải mê” mua sắm online, thanh toán qua ví điện tử.
Cô gái 27 tuổi ở quận 3, TP HCM tả cảm giác này “như bị mất trộm” bởi không nghĩ mình có thể tiêu gần hết lương chỉ trong nửa tháng. Tra cứu giao dịch, Huyền phát hiện đã thực hiện hơn 100 lệnh mua quần áo, giày dép, đồ ăn, mỹ phẩm, vé máy bay và thuê khách sạn cho chuyến du lịch sắp tới. Không ít giao dịch được cô “chốt đơn” lúc rạng sáng khi đang lướt mạng xã hội.
Thói quen không mang tiền mặt trong người của nữ nhân viên văn phòng có khoảng ba năm nay, khi các ứng dụng chuyển khoản, quét mã QR hoặc thanh toán qua ví điện tử trở nên phổ biến. Mọi chi tiêu của Huyền đều diễn ra trên chiếc điện thoại.
Nhưng cũng từ đó, cô gái từng chỉ tiêu 10 triệu đồng mỗi tháng, nay thường xuyên lâm cảnh chưa hết tháng đã hết tiền.
“Cứ tưởng mắt không thấy, tay không tiêu nhưng hóa ra còn chi nhiều hơn do ở đâu cũng có máy quẹt thẻ hoặc cho chuyển khoản”, Huyền nói.
Còn Châu, từ khi chuyển sang thanh toán trực tuyến, kế hoạch chi tiêu khoa học của cô hoàn toàn phá sản, thậm chí còn lâm vào cảnh nợ nần do sử dụng thẻ tín dụng không kiểm soát.
Hai năm trước, Bảo Châu, 40 tuổi, ở Hải Phòng vẫn dùng tiền mặt. Mỗi tháng lĩnh lương, bà mẹ một con đều chia các khoản cần chi, số còn lại sẽ tiết kiệm.
Nhưng từ khi nhận lương qua tài khoản ngân hàng, Châu bắt đầu chuộng thanh toán trực tuyến khiến kế hoạch chi tiêu khoa học phá sản. Tổng tiền lương 30 triệu đồng mỗi tháng của hai vợ chồng từng có thể tiết kiệm gần 50%, nhưng giờ tháng nào tiêu hết tháng đó. Từ hóa đơn điện, nước, thanh toán học phí cho con, mua quần áo, đồ ăn, thậm chí cho bạn bè vay tiền đều được chị chuyển khoản.
“Trước đây mỗi khi quyết định mua đồ gì tôi cũng toán xem trong ví còn bao nhiêu, cân nhắc nên mua hay không, bản thân cũng có cảm giác xót xa khi thấy tiền trong ví vơi dần. Còn nay cứ thích là quét mã QR hoặc quẹt thẻ, vài lần máy báo không thực hiện được giao dịch mới phát hiện tài khoản hết tiền”, chị Châu nói.
Nghiên cứu thị trường cho thấy con người có xu hướng tiêu nhiều hơn 12-18% khi sử dụng thẻ thay vì tiền mặt. Đáng chú ý hơn, Việt Nam đang dẫn đầu Đông Nam Á về thanh toán không dùng tiền mặt.
Làm thế nào để “thuần hóa” con mãnh thú mang tên “thanh toán không tiền mặt”?
“Tiện lợi” không đồng nghĩa với “an toàn”. Thanh toán trực tuyến tiềm ẩn nhiều rủi ro như: Dễ bị lạm chi, mất kiểm soát chi tiêu; Chuyển tiền sai địa chỉ, bấm nhầm số; Trở thành nạn nhân của các vụ chiếm đoạt tài sản.
Quy tắc 50-30-20: 50% cho nhu cầu thiết yếu, 30% chi tiêu linh hoạt, 20% tiết kiệm và đầu tư.
Hiểu rõ tính năng, công dụng của từng loại thẻ trước khi sử dụng. Một số thẻ bạn có thể thiết lập giới hạn chi tiêu cho thẻ, bạn nên thường xuyên kiểm tra lịch sử giao dịch và sử dụng các ứng dụng quản lý tài chính của mình.
Câu chuyện của Thế Anh sâu đây là minh chứng cho việc kiểm soát chi tiêu hiệu quả.
Thế Anh, 30 tuổi ở TP HCM từng rơi vào cảnh nợ nần do dùng thẻ thanh toán cho mọi hoạt động. Nhưng hiện nay, anh bắt đầu thử các biện pháp kiểm soát chi tiêu, mong có thêm khoản tích lũy để có thể mua nhà trước tuổi 35.
Mỗi lần nhận lương, Thế Anh đều cất riêng các khoản. Riêng 30% phục vụ nhu cầu sinh hoạt anh giữ trong thẻ và chỉ chi tiêu trong khoản cho phép.
“Cách thức này giúp tôi biết kiểm soát nguồn tiền hiệu quả, tiêu hết số tiền đó sẽ biết phải dừng thay vì mua bán vô tội vạ”, Thế Anh nói.
Bằng cách lập kế hoạch và sử dụng các công cụ hỗ trợ, anh đã thoát khỏi cảnh nợ nần và đang hướng đến mục tiêu mua nhà trước tuổi 35.
Đừng để bản thân trở thành nạn nhân của “hiệu ứng không tiền mặt”. Hãy sử dụng thanh toán trực tuyến một cách thông minh để mang lại lợi ích cho bản thân!
Hãy nhớ:
Tiền là của bạn, hãy tiêu xài một cách thông minh.
Kiểm soát chi tiêu ngay hôm nay để đảm bảo tương lai tài chính vững vàng.