Chuyên mục
Từ xưa đến nay, quan điểm “An cư lạc nghiệp” vẫn luôn nằm trong top ưu tiên của người Việt bởi việc sở hữu một căn nhà mang ý nghĩa ổn định, khẳng định sự trưởng thành cho mỗi người. Và trên thực tế, căn nhà chính là nền móng cho một tổ ấm tương lai vững chắc. Thử tưởng tượng khi bạn lập gia đình và có kế hoạch sinh con nhưng lại phải chen chúc trong dãy nhà trọ bé xíu thì sẽ ra sao? Hay khi bạn trưởng thành, muốn có một không gian riêng để thỏa sức làm những điều mình thích nhưng chưa thể thực hiện được. Vậy nên việc mua nhà luôn là “kế hoạch lớn” và cũng là niềm trăn trở của nhiều bạn trẻ có công việc ổn định, mang nhiều hoài bão đang sống tại các thành phố lớn trên cả nước.
Gánh nặng nhà cửa đã và đang trở thành ám ảnh tâm lý đối với nhiều người trẻ thành thị: “Khi nào mới đủ tiền mua nhà?”, “Bao giờ mới được ở trong ngôi nhà của chính mình?”… là những câu hỏi xoay vần trong tâm trí của thế hệ trẻ hiện nay.
Cảm giác chông chênh, rã rời mệt mỏi trở về căn phòng trọ 20-25 mét vuông, sau một ngày dài quẩn quanh trong các khu văn phòng bốn bề toàn kính, là điều khó có thể tránh khỏi. Có phải chăng những căn phòng tạm bợ đi thuê đi mướn đó chỉ có thể là chỗ trú chân, chứ chưa bao giờ được coi là một ngôi nhà thực sự. Chúng ta dễ dàng có thể bắt gặp những ánh mắt bất an bởi suy nghĩ không biết về đâu, không biết đâu là “nhà” tại những ngã tư đường.
Áp lực phải thành công sớm, phải đạt được những cột mốc nhất định trong đời, thậm chí là phải tìm con đường đi ngắn nhất để rồi thay vì đeo đuổi giấc mơ an cư thì lại lạc lối trong “mê cung” của những áp lực, kỳ vọng.
Người trẻ thời đại này dường như ai cũng đang bị cuốn vào quay cuồng với “áp lực từ những con số”. Đi học hơn thua nhau bởi điểm số, đi làm thì sống chung với tiền lương, KPI…, còn ngoài xã hội thì thước đo của sự thành công với nhiều người lại là bạn có một chiếc xe ô tô hay một căn nhà của riêng mình. Có thể thấy, quan điểm “an cư lạc nghiệp” vẫn nằm trong điều ưu tiên của người Việt bởi sở hữu được một căn nhà là bạn đang khẳng định được sự trưởng thành của mình. Đâu đó ngoài xã hội hiện nay, chúng ta sẽ bắt gặp được nhiều bạn rất giỏi đã có thể tự mua được nhà ở độ tuổi còn rất trẻ, việc đạt được điều này có vô tình lại trở thành áp lực lên cuộc sống của các bạn trẻ khác. Với thu nhập trung bình hiện tại cùng với tình trạng giá nhà đất ngày một tăng cao, “giấc mơ” an cư với nhiều người trẻ khác có lẽ đang ngày càng xa tầm với.
Lựa chọn căn nhà thuê cách chỗ làm hàng chục cây số, chịu khó dậy sớm để di chuyển, mua nhà ở thành phố trước tuổi 30 theo một người bạn thân của mình là thước đo để đánh giá sự thành công của một người trẻ. Mình thấy bạn tiết kiệm từ cốc trà sữa mỗi tuần, đắn đo suy nghĩ trước mỗi chầu cafe, không biết từ khi nào việc chắt chiu lại khiến một người từng rất hào hứng với những cuộc vui lại chuyển sang hào hứng tiết kiệm để mua nhà đến vậy. Bạn từng nói với mình muốn có được nhà nhưng không muốn bị trói chân vào những khoản nợ thì đành sống khổ để đạt được giấc mơ này.
Thời gian gần đây mọi người cũng thấy tình hình giá đất tăng, vất giá ngày một leo thang, nhưng thu nhập lại không có sự thay đổi. Với tình hình như này thì có khi hơn 30 năm vẫn chưa có thể sở hữu được ngôi nhà cho bản thân.
Có những trường hợp nghĩ đến việc vay nợ để có được “ngôi nhà mơ ước” nhưng lại rơi vào viễn cảnh “chưa mua nhà thì khao khát, có rồi thì lại áp lực tiền nong”. Họ không thể chờ đợi tiết kiệm từng ngày, quyết định vay nợ để mua nhà khi kinh tế cũng chẳng dư dả. Mình có nhờ một người chị có nhiều kinh nghiệm trong nghề mua bán căn hộ ở khu vực Bình Tân chia sẻ: “Nếu tính theo hướng vay tiền mua nhà, thu nhập 15 triệu/tháng, nếu mỗi tháng trừ hết chi phí trả gốc và lãi cho ngân hàng, người mua chỉ còn được khoảng 3,8-4 triệu đồng. Với số tiền này sẽ không sống được ở TP.HCM, mà phải có thu nhập ít nhất khoảng 20 triệu/tháng mới có thể mua được căn nhà 1 tỷ đồng. Tuy nhiên theo tìm hiểu thì hiện tại dòng sản phẩm căn hộ 1 tỷ đồng hiện đã không còn xuất hiện tại TP.HCM”. Sau khi nghe chia sẻ chắc hẳn mọi người cũng sẽ lắc đầu, ngao ngán, không biết ước mơ liệu có thành sự thật.
Bên cạnh đó có những người lại đi ngược lại, họ sống một cuộc sống hưởng thụ, vô lo mặc do tương lai có như nào thì hiện tại họ vẫn chỉ sống cho bản thân mình trước đã. Đối với họ, việc tiết kiệm từ sớm khiến ảnh hưởng đến trải nghiệm cuộc sống. Chưa kể giới trẻ hiện tại sẽ dễ mắc vào bẫy tiêu dùng, mua sắm nhiều hơn nhu cầu sử dụng mà không biết, hoặc bị “lạm phát” lối sống, vì chưa có nhiều kinh nghiệm sống và chưa làm chủ được tài chính cá nhân của mình.
Mỗi con đường của mỗi người đều khác nhau, có người may mắn khá dễ dàng, có người lại lắm chông gai, có người còn chưa định hình cho bản thân sẽ đi con đường đó như thế nào nữa. Cuộc sống của chúng ta luôn có những biến số, đừng nên áp dụng một công thức chung hay áp đặt nào cả cho quá trình tìm kiếm căn nhà của ước của mình. Hãy biến thành công của người khác để tạo động lực cho mình, hiểu rõ bản thân mình thực sự là ai, cần làm gì và làm việc hết mình, hết tâm sức…tận hưởng nhiều giá trị tốt đẹp khác từ cuộc sống mà bạn đang có, đừng đặt mục tiêu quá cao khi ta không thể với tới.