Chuyên mục
Có bao giờ bạn chợt dừng lại vài giây để tự đặt ra những câu hỏi cho bản thân: ”Tại sao trong tay có mọi thứ, sự nghiệp ổn định, gia đình hạnh phúc mà bản thân lại thấy mệt mỏi và bế tắc”, “Tại sao cuộc sống cứ như vòng tuần hoàn, mãi không có lối thoát.”
Đó có thể là bạn đang “mất liên lạc” với chính mình. Có thể bạn đang sống với thực tại đấy, nhưng cũng có khi không phải là như vậy.
“Mất kết nối” với bản thân không có nghĩa là bạn đang cảm thấy “high” hoặc đang cận kề cái chết. Ngắt kết nối có nghĩa là khi bạn cảm thấy không còn là chính mình nữa. Đôi khi, bạn có cảm giác mờ mịt, vô định như đang đi qua một màn sương dày đặc hoặc đang trải qua ngày dài một cách vô thức như một con “zombie” vậy.
Vậy tại sao chúng ta lại “mất liên lạc” với chính mình?
Vì các chuẩn mực văn hoá, áp lực và kỳ vọng: Xã hội ngày nay có xu hướng gây áp lực lên mỗi cá nhân, buộc chúng ta phải theo đuổi hoặc chấp nhận một số điều nhất định được gọi là nghĩa vụ. Chúng ta làm công việc văn phòng “9 to 5” và ghét bỏ nó bởi vì chúng ta mong đợi phải kiếm tiền. Chúng ta hẹn hò bởi vì xã hội nói rằng chúng ta cần một người bạn đời để hạnh phúc – và chúng ta cố chấp cho những mối quan hệ tồi tệ vì nghĩ rằng chúng ta không xứng đáng tốt hơn. Chúng ta để nền văn hóa quyết định điều gì tốt nhất cho chúng ta thay vì hướng nội, vì vậy, những mong muốn và đam mê cá nhân chỉ chiếm vị trí sau cùng.
Vì các chấn thương hoặc lạm dụng thời thơ ấu: Đôi khi cơ chế “ngắt kết nối” hoạt động là để bảo vệ chúng ta khi còn nhỏ khỏi cha mẹ bạo hành hoặc gia đình rối loạn chức năng, và chúng ta không bao giờ học cách tắt nó khi chúng ta lớn hơn.
Vì các biến chứng từ các rối loạn khác: Ví dụ, những người mắc chứng tự kỷ hoặc Asperger có thể gặp khó khăn tự nhiên trong việc kết nối hoặc thể hiện cảm xúc của họ.
Chiến lược để bản thân quay về lại bên trong
Thế giới lúc này đối với bạn là một nơi choáng ngợp và đáng sợ. Bạn rất dễ cảm thấy “mất kết nối” với bản thân và những người khác. Nhưng nó không nhất thiết phải như vậy. Bạn có thể kết nối lại với chính mình và những người khác bằng cách thực hiện các chiến lược sau:
1. Đối xử với bản thân bằng lòng trắc ẩn:
Lòng trắc ẩn là khái niệm về sự tử tế và thấu hiểu bản thân khi đối mặt với khó khăn, thay vì tham gia vào việc chỉ trích bản thân.
Nhận thức rằng những điều đang trải qua, dù là đau đớn hay sợ hãi, cũng chỉ là một trải nghiệm và nó sẽ trôi qua. Bạn cần nhận ra điều này và từ bỏ mọi kỳ vọng rằng trải nghiệm sẽ tồn tại mãi mãi. Hãy tử tế và kiên nhẫn với bản thân tại thời điểm ấy. Từ đó đưa ra những tuyên bố tử tế về bản thân.
2. Bắt đầu viết nhật ký:
Viết nhật ký là một cách để liên lạc lại với những gì quan trọng nhất đối với bản thân – mục tiêu và ước mơ cho hiện tại, hy vọng và thử thách cho tương lai. Và việc sau này có thể nhìn lại nội dung trong nhật ký sẽ giúp nhắc nhở về việc bạn đã đi được đến bao xa.
Viết nhật ký không cần phải chính thức hoặc rộng rãi, đôi khi viết một câu là đủ để đưa mọi thứ ra khỏi đầu bạn, vào một khoảng không gian mà nó có thể được xử lý.
3. Thực hành chánh niệm:
Chánh niệm là thực hành nhận thức về những gì đang xảy ra cả bên trong (tâm trí – cơ thể của bạn) và bên ngoài (trong thế giới xung quanh bạn). Đó là việc chú ý đến những gì đang xảy ra ngay bây giờ mà không phán xét nó hoặc suy nghĩ xem nó như thế nào so với những thứ khác trong quá khứ hoặc tương lai của bạn.
Chánh niệm cũng là để không bị phân tâm bởi những suy nghĩ khác xuất hiện trong tâm trí – như lo lắng về những gì người khác nghĩ về bạn – và thay vào đó tập trung vào khoảnh khắc hiện tại (những gì đang xảy ra ngay bây giờ).
Thực hành chánh niệm có thể giúp giảm thiểu tình trạng tự ngắt kết nối vì nó giúp não bộ của bạn tập trung hơn và cũng có thể dẫn đến cảm giác được kết nối trở lại!
4. Tìm bất kỳ hỗ trợ nào có sẵn
Cố gắng chia sẻ với những người khác hiểu những gì bạn đang trải qua. Thật khó để những người chưa từng trải qua cảm giác bị ngắt kết nối có thể hiểu được cảm giác của bạn, vì vậy, tìm một người đã từng ở đó sẽ giúp bạn bớt cảm cô đơn hơn.
Sẽ rất hữu ích nếu bạn tìm thấy một cộng đồng trực tuyến, nơi mọi người chia sẻ những câu chuyện về cảm giác bị ngắt kết nối. Hãy mạo hiểm và tâm sự với ai đó. Những người đồng cảm vẫn đang ở ngoài đó. Bạn sẽ không chỉ có được một đôi tai thông cảm, mà bạn sẽ thấy có những người tốt bụng hơn muốn hỗ trợ bạn.
Dù bạn có là một trong những người đang hằng ngày phải chống chọi với cảm giác “mất kết nối” để tìm lại ý nghĩa và niềm vui sống, hoặc đã từng trải qua những giai đoạn không mấy dễ chịu. Hay bạn vẫn đang phải học cách tồn tại, khi mà vợ/chồng, người thân của bạn là nạn nhân và bạn muốn giúp đỡ họ bằng một cách nào đó. Hoặc chỉ đơn giản là bạn trăn trở khi nhìn thấy sự “mất kết nối” đang len lỏi vào tất cả mọi ngóc ngách của cuộc sống xung quanh mình và muốn tìm hiểu về chúng. Bởi vì, phải chăng mỗi khủng hoảng trong cuộc đời là cơ hội để chúng ta chuyển hóa cho một hiện sinh ý nghĩa và hạnh phúc hơn?
Hy vọng rằng bạn đã sẵn sàng để chấm dứt cảm giác “mất kết nối” ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống và kết nối lại với bản thân và những người khác.