Chuyên mục
Theo quy định, các trường đại học phải công bố tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm hai năm gần nhất trong đề án tuyển sinh. Tất cả các ngành đều đạt 100% có việc làm sau khi ra trường, thông tin hầu hết các trường đều công bố trước mùa tuyển sinh. Việc nhà trường khẳng định về sinh viên ra trường “có một nền giáo dục có chất lượng và cam kết 100% có việc làm” – điều này có thật không? Đây là câu hỏi và cũng là vấn đề mà các bậc phụ huynh và các bạn sinh viên đang quan ngại nhất.
Bước chân vào cánh cửa đai học ròng rã bốn năm, được đào tạo và học những kỹ năng trên ghế nhà trường. Ai cũng mang trong mình nỗi khao khát tìm được một công việc phù hợp và đúng chuyên ngành, nhưng với lượng kiến thức đã được nạp vào các bạn có tự tin và đảm bảo rằng mình sẽ tìm được công việc đúng với những gì đã được học sau tốt nghiệp hay không?
“Thất nghiệp” – hai chữ này luôn là nỗi ám ảnh của bất kỳ ai khi bắt đầu đi làm. Tất nhiên, không ai mong muốn khi ra trường tìm mãi vẫn không thấy bến đỗ cho bản thân. Có người sẵn sàng vì “cơm áo gạo tiền”, chấp nhận lấn sân sang bất kỳ một lĩnh vực nào khác để trang trải cuộc sống, tích lũy kinh nghiệm làm việc. Nhưng cũng có những người, chấp nhận chờ đợi ngày qua tháng nọ để tìm được một công việc hợp với chuyên môn của mình. Vậy đâu mới là sự lựa chọn tốt nhất? “Cuốn theo guồng quay sự nghiệp” hay chờ đợi cho đến khi tìm được “công việc trong mơ”?
Bản thân mình xuất phát điểm học về Marketing nhưng ra trường lại làm Nhân sự đến bây giờ đã được bốn năm? Có bạn học xây dựng nhưng tốt nghiệp lại dấn thân vào con đường làm nhân viên kinh doanh? Có rất nhiều câu chuyện muôn hình muôn vẻ về nghề nghiệp “trái ngành” như thế ở giới trẻ hiện nay. Không phải ai cũng may mắn có một khởi đầu suôn sẻ, tìm được công việc như ý ngay khi vừa mới bước ra trường. Cá nhân mình lựa chọn tìm đến những công việc trái ngành thời gian đầu khi ra trường như một giải pháp tạm thời trong quá trình tìm kiếm việc khác hợp ý hơn. Thế nhưng, làm việc một thời gian ở công việc Nhân sự, mình nhận ra mình lại phù hợp với công việc này và nó mang đến một kết quả khác, mình kết nối được với rất nhiều bạn, mở rộng được nhiều mối quan hệ tốt đẹp hơn, … Ở thời điểm đó mình lại thấy câu” Nghề chọn người chứ không phải người chọn nghề” nó lại rất đúng với trường hợp của mình và một vài người bạn.
Bên cạnh đó, có những bạn trẻ lại rơi vào cạm bẫy tình – tiền mà đánh mất đi giá trị của bản thân mình. Có người đánh mất đi bản thân, có người bị ma lực đồng tiền cám dỗ để rồi trở thành một “sugar baby, trai bao” – những tên gọi này gần đây trở nên rất là phổ biến. Không có gì ngạc nhiên khi đi trên đường bạn sẽ bắt gặp hình ảnh một người đàn ông lớn tuổi đi cùng với một cô gái kém mình chục tuổi hoặc thậm chí có thể bằng tuổi con cái mình. Trong bộ phim “Cổng mặt trời” được phát sóng trên truyền hình cách đây không lâu cũng đã đề cập đến việc cậu sinh viên để có cuộc sống giàu sang hơn, không cần phải đi làm, chỉ biết ăn rồi hưởng thụ, cậu đã vô tình dấn thân vào cạm bẫy tình tiền với công việc làm “trai bao” và qua lại với nhiều người phụ nữ lớn tuổi khác nhau. Mối quan hệ này đã và đang dần quen thuộc trong cuộc sống ngày nay. Bạn có thể thấy, không ít những chàng trai hay cô gái trẻ vì một chút xa hoa ngay trước mắt đã làm lu mờ giá trị thật sự của bản thân. Các cô gái, chàng trai chỉ cần đánh đổi một chút nhan sắc, chấp nhận đánh đổi bản thân để tìm kiếm một cuộc sống sung túc hơn, không phải lao động thay vì phải lao đầu đi tìm việc với mức lương chỉ vỏn vẹn vài đồng.
Lại có những bạn rơi vào trạng thái “bằng một đằng, làm một nẻo” rồi từ đó bị mất đi định hướng, sự thay đổi và bắt buộc phải tìm công việc để làm tạm và điều đó làm mất đi kiến thức chuyên môn vốn có của mình, thay vào đó chỉ đi làm với trạng thái “làm cho có” để giải quyết các vấn đề về chi phí và cuộc sống. Và hệ quả là càng làm kết quả lại không như kỳ vọng, có những trường hợp nhảy việc liên tục – điều này sẽ làm cho profile không đẹp trong mắt nhà tuyển dụng.
Sau tất cả, nếu bạn chấp nhận đợi chờ công việc yêu thích, bạn cần hiểu rằng bạn phải sắp xếp và chấp nhận với rất nhiều rủi ro về tài chính, thời gian, cơ hội việc làm, sự đánh giá tiêu cực từ những người xung quanh,… Thay vào việc “ăn không ngồi rồi”, tại sao bạn không thử tranh thủ thời gian chờ đợi tìm kiếm những công việc freelance hoặc ngắn hạn liên quan đến ngành nghề yêu thích của mình? Không chỉ có được khoản trợ cấp về tài chính, bạn còn tích lũy được thêm kha khá kinh nghiệm cho CV của mình, và quan trọng hơn, biết đâu bạn sẽ có nhiều mối quan hệ tốt để đưa mình tiến đến công việc yêu thích sau này?
Nói tóm lại, dù làm trái ngành hay được làm công việc yêu thích, chỉ cần bạn cảm thấy thoải mái với việc đi làm mỗi ngày, bạn có nhiều cơ hội để học hỏi thì dần dần, bạn sẽ tìm thấy cảm giác hứng thú với việc bạn đang làm. Có thể bạn phải đi đường vòng hoặc tốn nhiều thời gian hơn để đến được công việc yêu thích, nhưng nếu bạn cảm thấy điều đó là xứng đáng, đừng ngần ngại đầu tư thời gian và công sức cho đam mê này!