Chuyên mục
Cụm từ chữa lành hiện nay có lẽ không còn quá xa lạ với mọi người. Thậm chí, nó xuất hiện dường như ngày càng nhiều ở xung quanh chúng ta.Vậy chữa lành là gì và tại sao tôi gọi “chữa lành” là trào lưu của giới trẻ?
Chữa lành được hiểu một cách đơn giản là việc chúng ta đối mặt, chấp nhận và vượt qua được những cú sốc tâm lý hoặc những biến cố trong cuộc sống.
Chữa lành là quay về với chính mình, kết nối với bên trong, với bản thể nội tâm. Khi ai đó không còn cảm thấy hạnh phúc, bỗng dưng thấy muộn phiền, chơi vơi và cuộc sống bình thường bỗng trở nên vô nghĩa, đó là lúc họ cần chữa lành.
Những tổn thương tâm lý thường xuyên làm ảnh hưởng và thay đổi cuộc sống của chúng ta theo nhiều cách. Cô đơn lâu dài có thể dẫn đến trầm cảm. Tương tự, thất bại hay từ chối, nếu không được xử lý kịp thời và đúng cách có thể khiến chúng ta dần mất đi lòng tự tôn (self-esteem), mất đi sự tự tin ở chính bản thân mình và dẫn đến hàng loạt hệ luỵ sau này.
Cho nên, những vết thương tâm lý cũng quan trọng như những vết thương trên thân thể vậy. Đừng coi thường bất kỳ vết thương nào.
Bình thường, khi có một cảm giác đau đớn xuất hiện trong cơ thể, việc đầu tiên chúng ta làm là chạy tới tủ thuốc trong nhà hay tới gặp bác sĩ để tìm cách chữa trị, xoa dịu nó. Vậy nếu như đó là vết thương trong tâm hồn thì chúng ta phải làm gì?
Hiện nay có rất nhiều người trên toàn cầu vẫn đang trên hành trình xoa dịu những tổn thương của chính mình bằng nhiều phương pháp khác nhau, từ truyền thống cho đến hiện đại, từ việc tự chữa lành cho đến việc tìm tới sự giúp đỡ của các chuyên gia.
Có một số cách tự chữa lành chúng ta có thể áp dụng được khi gặp tổn thương về tâm lý:
Đầu tiên là chúng ta phải chú ý đến nỗi đau cảm xúc của mình. Để từ đó, báo cho ta biết có điều không ổn đang xảy ra bên trong bản thân và chúng ta cần xử lý nó. Trò chuyện cùng người thân hay bạn bè là những điều giúp vết thương trong tâm hồn của bạn có thể sẽ chóng lành hơn.
Thứ 2 là tập quên đi quá khứ, sống cho hiện tại, Bởi khi buồn, người ta thường có xu hướng suy nghĩ về những chuyện cũ, không may mắn đã từng xảy ra. Nếu cứ mãi suy nghĩ về những việc đó mà không tìm cách giải quyết vấn đề, thì kết quả bạn nhận được sẽ càng tồi tệ hơn. Việc bạn cần làm là tìm cách làm bản thân sao lãng, quên đi những nỗi đau đang chất chứa trong lòng. Một số hoạt động đòi hỏi sự tập trung cao như: Chơi Sudoku, tìm ô chữ,… có thể là lựa chọn thích hợp dành cho bạn.
Nếu đã trải qua một khoảng thời gian dài nhưng bạn vẫn gặp khó khăn để vượt qua sự phiền muộn, thì điều bạn cần làm là có những suy nghĩ mới về nó. Hãy cố gắng tìm kiếm điều tích cực trong nghịch cảnh mặc dù không hề dễ dàng gì. Hãy thử tưởng tượng những thay đổi mà chính bạn có thể tạo ra, để giúp mình có một cuộc sống tốt hơn và tìm lại được niềm vui mình đáng có.
Âm nhạc hay viết lách cũng là một trong những liệu pháp chữa lành đáng để thử qua. Âm nhạc có thể giúp làm dịu các cơn đau mãn tính, giảm nhịp tim và huyết áp, giảm lo lắng và nâng cao chất lượng cuộc sống. Còn khi ta viết ra giấy những dòng suy tưởng miên man, điều đó sẽ mang lại sự trấn tĩnh tinh thần cực kì nhanh chóng.
Bên cạnh đó, ngoài các phương pháp tự chữa lành trên, thì các lớp học trị liệu tâm lý nở rộ thời gian gần đây, giống như một hệ quả của việc cần giải pháp cho người ta bám víu, để giải quyết những khúc mắc trong tâm hồn.
Rất nhiều người đã học để trở thành chuyên gia lắng nghe tâm sự và tháo gỡ. Đương nhiên với lượng lớn người cần được chữa lành như thế, thì nghề này hiện nay có vẻ đang rất được thịnh hành. Có những hình thức chữa lành hoàn toàn phi lợi nhuận, nhưng không ít trường hợp phải tốn số tiền lên đến hàng chục triệu đồng để có thể được tham gia vào các hoạt động này.
Bản thân chữa lành đúng như tên gọi của nó là sự xoa dịu, chuyển hóa cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực, bất an, cảm giác bị tổn thương để trở về trạng thái an yên, mãn nguyện. Từ đó giúp mọi người tìm được những niềm vui, ý nghĩa sống lạc quan.
Chữa lành, muốn hiệu quả phải quay về với chính mình, đi vào bên trong trước khi trở ra bên ngoài.
Tuy nhiên, không phải lúc nào khái niệm chữa lành cũng được giải mã và đi đúng bản chất vấn đề. Thực tế hiện nay, trong nhiều hình thức chữa lành của cuộc sống, những thông tin đang thiên về sự hô hào, kêu gọi hơn là sự tĩnh lặng mà nó đã từng được biết đến. Nhiều sản phẩm nghệ thuật gắn mác chữa lành giống như một cách để chạy theo trào lưu. Nhưng không phải cứ gắn hai chữ chữa lành là có thể… “được chữa lành”.
Trong không ít trường hợp, việc cố tình gợi lại nỗi đau như là cách buộc con người phải đối diện, vượt qua nó trước khi đạt đến trạng thái an yên, nhưng lại khiến nỗi đau đó càng bị khoét sâu, tái hiện, lặp lại. Và, chữa lành đâu không thấy, lại càng làm tổn thương sâu sắc đến tâm lý của con người. Điều này rõ ràng đang phản tác dụng và thậm chí còn nguy hiểm hơn.
Nhìn chung, sức khỏe tinh thần hiện nay đang là vấn đề nhức nhối, ngày càng được nhiều người, nhất là giới trẻ quan tâm đến. Ai ai cũng có những vấn đề của riêng mình, nhưng có thực sự cần chữa lành hay không và chữa lành theo cách nào lại rất cần sự tỉnh táo.
Vậy nên, ngay từ đầu, hãy chọn cho mình con đường đi thật đúng đắn, tránh rơi vào vòng lặp luẩn quẩn. Tiền mất, tật mang.
Và cuối cùng, lời nhắn nhủ tôi muốn dành cho các bạn – những ai đang gánh chịu những nổi đau trong tâm hồn: Dù bạn có bao nhiêu “vết thương” đi nữa, dù cho trái tim và tâm hồn bạn chằng chịt những vết sẹo, hãy nhớ rằng bạn vẫn đáng được yêu thương và chăm sóc. Hãy cho phép bản thân cảm nhận đau đớn, nhưng đừng để nó chiếm lấy tâm trí của bạn. Hãy cho sự yên bình và niềm tin được phép trở lại trong tâm hồn. Hãy cho bản thân thời gian để tự phục hồi và sau đó tìm lại niềm tin của cuộc sống. Hãy nhìn nhận cuộc sống này theo hướng tích cực, hạnh phúc sẽ luôn bên bạn.