Chuyên mục
Trong những tháng năm hoang mang giữa bao nhiêu lối rẽ ngang, tương lai phía trước là màn hình vô định, bảng chỉ dẫn được phần lớn bạn trẻ dựa vào chính là sự đam mê và niềm tin, rằng đam mê ấy sẽ biến mọi giấc mơ trở thành hiện thực. Chính từ đây, câu slogan truyền cảm hứng nhất mọi thời đại được bạn trẻ chúng ta tin theo nhiều nhất: Hãy theo đuổi đam mê!
Nhưng dưới góc nhìn thực tế, thì cái gọi là “đam mê” được những người thành công “lăng xê” lại là tác nhân gây nhiễu nguy hiểm đối với hành trình chạm mốc thành công.
Không có đam mê, chúng ta không hoàn thiện.
Không có đam mê, cuộc sống của chúng ta không còn ý nghĩa.
Có thật không?
Có vẻ như chúng ta đang dành quá nhiều sự chú ý cho “niềm đam mê”. Nó quan trọng, đúng, nhưng nó không phải là một giải pháp thần kỳ sẽ làm cho mọi vấn đề của bạn biến mất. Có vẻ như nhiều người trong chúng ta đã tự tạo áp lực quá lớn cho bản thân trong việc tìm kiếm đam mê của mình.
Chúng ta thường say sưa nghe – xem – đọc về các nhân vật đạt được thành tựu rực rỡ khi đi theo tiếng gọi đam mê. Tuy nhiên, ta quên mất rằng, những gì ta đang theo dõi chỉ là cái đỉnh rất nhỏ so với phần chìm của tảng băng. Phần chìm ấy thường không được quan tâm, bởi có gì hấp dẫn đâu ở những người thua cuộc. Ngay cả khi chúng ta muốn tìm hiểu, họ cũng sẽ im lặng. Trớ trêu thay, bài học từ những thất bại luôn hữu ích hơn so với ánh hào quang của sự chiến thắng.
Không hiếm những người quanh ta từng dành cả tuổi thanh xuân để theo đuổi đam mê. Thế nhưng thứ duy nhất đạt được chỉ là thất bại đi cùng thất vọng. Họ không lười biếng, thậm chí chăm chỉ gấp nhiều lần so với những người khác, sẵn sàng dành cả cuối tuần hay các kỳ nghỉ để làm việc. Trong từng giai đoạn họ đều có kế hoạch với mục tiêu rõ ràng. Nhiều người trong số họ còn sở hữu tri thức lẫn kỹ năng vượt trội. Nhưng vì sao mãi mà họ không thể thành công?
Là vì: Họ đã nhận diện sai đam mê.
Đây cũng là sai lầm mà rất nhiều bạn trẻ đã mắc phải. Tình yêu chỉ có một, còn những cảm xúc na ná tình yêu thì rất nhiều. Đam mê cũng tương tự. Ta thường nhầm lẫn giữa sở thích với đam mê, giữa hứng thú nhất thời với khát vọng đường dài, giữa thứ người khác ưa chuộng và thứ ta thật sự khát khao. Những thứ này biểu hiện rất giống nhau nhưng giữa chúng luôn là một đại dương khoảng cách. Sở thích dễ đến và dễ đi, thường rất mãnh liệt trong một giai đoạn nhất định.
Bạn ao ước trở thành một Giám đốc Sáng tạo (Creative Director) ngành Quảng cáo – một vị trí mà bạn nghĩ có thể sẽ có một khoảng trời lớn để “tung bay” sáng tạo. Sau đó, kết quả là thành phẩm độc lạ, bạn nhận được sự trầm trồ, ngưỡng mộ của bao người.
Thế nhưng, trong thực tế, để có thể bước đến vạch đích đó, năng khiếu và đam mê sáng tạo chưa phải là tất cả.
Bạn buộc phải thực hành đến thành thạo hàng loạt phần việc tưởng chừng không liên quan đến đam mê của mình. Chẳng hạn, tham dự và ghi chép biên bản cuộc họp từ nội bộ đến những buổi gặp gỡ khách hàng, là nhiệm vụ mà phần lớn các “tân binh” buộc phải trải qua trong một khoảng thời gian dài. Việc này có thể nhàm chán, bạn có thể cho rằng nó vô nghĩa. Tuy nhiên, đây lại là bài tập rèn luyện cách làm việc logic và tư duy sáng tạo qua việc bạn lắng nghe, phân loại các ý để trình bày thành một biên bản súc tích, hợp lý.
Còn rất nhiều thứ “không liên quan” khác nhưng nhìn chung “đam mê” chỉ đơn giản là động lực. Kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, đạo đức, thái độ làm việc,… mới là các yếu tố quyết định. Một điều chắc chắn rằng những điều này thường không có sẵn và không tự nhiên đến với bạn.
Không bao giờ là thừa khi ta dành thời gian lắng lòng, xem lại chặng đường đã qua, nhìn sâu vào chính bản thân mình, từ đó xác định lại và xóa tan những ảo mộng về đam mê.
Tri thức chính là con mắt của đam mê. Lý trí giúp ta thấu đáo hành trình sắp sửa dấn thân vào. Dĩ nhiên, không có điều gì hoàn toàn chắc chắn, nhưng càng hiểu rõ về lựa chọn của mình bao nhiêu, nguy cơ thất bại sẽ được giảm thiểu bấy nhiêu.
Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ. Hãy đón nhận những đặc quyền tuổi trẻ. Thế nhưng, khi tận hưởng đặc quyền bay bổng ước mơ và quỹ thời gian còn dài rộng để được phép khờ dại, ở các thời khắc then chốt, ta vẫn cần bớt đi cảm tính, sử dụng lý trí, lắng nghe chung quanh và chính mình nhiều hơn.
Với tần suất xuất hiện dày đặc của các lời kêu gọi “hãy theo đuổi đam mê”, nếu không sở hữu một sức đề kháng đủ mạnh, người trẻ sẽ phải chịu sức ép vô hình lớn đến không ngờ.
Bạn vô tình rơi vào tình trạng hoảng loạn khi phát hiện mình vẫn chưa tìm được “đam mê”. Để rồi, bạn mù quáng lao vào cuộc đua tìm kiếm “thứ cảm giác” mang tên đam mê như những người thành công vẫn hay “lăng xê”.
Bạn tự dìm chính mình, bạn lạc lối, bạn sợ hãi. Bạn buộc bản thân phải loay hoay trong ảo tưởng, khao khát mơ hồ xuất phát từ những sân khấu lung linh của người khác. Dưới sức ép xã hội và thời gian, bạn vô tình bỏ qua sự kiên nhẫn và khả năng suy xét kỹ lưỡng từ bao giờ.