Chuyên mục
Dành cho những ai chưa biết “flex” là gì?
“Flex” là một trong những từ lóng tiếng Anh đang được giới trẻ sử dụng thường xuyên trên mạng xã hội (MXH). Tạm gác lại những ý nghĩa mang tính học thuật thì “flex” được dùng để nói về “lòng dũng cảm giả tạo” hoặc “sự khoe mẽ” quá mức trong văn hóa Âu Mỹ từ những năm 1990.
Tuy nhiên, trong những ngày gần đây khi trở thành hot trend, “flex” bỗng nhiên được xử lý mượt mà và duyên dáng. Rất nhiều pha “kiến tạo”, “ghi bàn” giúp các chiến thần “flexing” có được những kỹ năng, thành tích, điểm thi IELTS, trường Đại học và cả những điều dễ thương, giản dị trong đời thường nhanh chóng đạt tương tác khủng.
Lý do để từ khoá này “bỗng dưng” viral trên MXH không thể không kể đến người nắm giữ bí thuật “flexing” – BTV Trương Anh Ngọc – với nhiều bình luận đầy hài hước và không kém phần “flex” trên MXH đã được cư dân mạng lưu lại và trở thành meme.
Trương Anh Ngọc, là một BLV bóng đá, phóng viên thể thao và nhà báo tại Việt Nam. Anh Ngọc từng được tạp chí France Football, tạp chí bóng đá hàng đầu thế giới, mời tham gia bình chọn danh hiệu Quả bóng vàng năm 2010. Ngoài ra, Anh Ngọc còn là BLV cho giải Vô địch quốc gia ITALIA tại đài FPT từ năm 2018 đến nay.
Anh Ngọc hoạt động tích cực trên mạng xã hội, thường xuyên giao lưu với độc giả bằng cách bình luận hoặc trả lời lại bình luận. Tuy nhiên, nhiều bình luận của BLV Anh Ngọc được mọi người cho rằng không trả lời đúng trọng tâm và thường “flex”.
Và điển hình như đi đâu cũng thấy cộng đồng mạng nói về “flex” hay khen ai đó rằng “mê cái cách bạn ấy flex”,… Thậm chí còn xuất hiện một hội nhóm đã đẩy từ ngữ này trở thành trào lưu, xu hướng mới mà hầu hết ai cũng thích.
Được biết, nhóm được thành lập từ tháng 5/2023. Nhưng thời điểm đó, số lượng người tham gia chưa thực sự viral. Mãi cho đến khi một số bình luận của bài đăng trong nhóm được người dùng chia sẻ lại trên nền tảng TikTok dưới dạng clip, hội nhóm mới bắt đầu được biết đến rộng rãi hơn.
Các bài đăng dù không chỉ sử dụng hình thức “flexing” thông thường như khoe của cải, vật chất, nhà giàu, xe sang hay túi hiệu. Thay vào đó, có nhiều kiểu “flex” khiến dân tình phải trầm trồ như khoe ảnh đẹp, thành tích học tập, sự nghiệp, gia đình có điểm đặc biệt.
Ví dụ như họ khoe đã cứu sống bao nhiêu người; từ một người bình thường cho tới thi đỗ Đại học Harvard; làm hậu kỳ cho nhiều bộ phim nổi tiếng quốc tế; có mối quan hệ rộng với nhiều người trong showbiz… Nhờ thế, “flex” biến thành trào lưu khoe tích cực, có ảnh hưởng tới xã hội.
Đặc biệt trong mỗi lĩnh vực, không chỉ có chủ nhân bài đăng – người “flex” có thành tích tốt mà cả những người bình luận vào bài viết, cũng đều thể hiện hết những điểm mạnh của bản thân. Nhiều người cho rằng, vào nhóm đôi khi cảm thấy mình “nhỏ bé” bởi mình giỏi, có người khác giỏi hơn để nhìn vào học hỏi, ngưỡng mộ.
Đó cũng là lý do mà hầu hết các bài đăng trong nhóm đều có lượt tương tác rất cao. Có những chủ đề lên tới hơn 50k lượt yêu thích và vô vàn những bình luận, trò chuyện của thành viên trong nhóm.
Bên cạnh đó, yếu tố hài hước, hóm hỉnh cũng là điều giữ chân những ai vô tình ghé vào nhóm chỉ vì tò mò. Không sử dụng những hình thức “flex” thông thường là khoe nhà giàu, xe xịn hay túi hiệu. Mà hầu hết các bài đăng đều có nội dung đa dạng, người thể hiện giỏi giang nhưng lại cực kỳ khiêm tốn và “mặn mà”.
Do vậy, không khó để hiểu vì sao “Flex đến hơi thở cuối cùng” ngày càng viral trên MXH và trở thành một “hệ tư tưởng” của người trẻ. Tự tin với những thành tích của bản thân, khoe khoang một cách tích cực và còn giúp ích được cho cộng đồng. “Flex” như này, đúng là ai cũng muốn trở thành “flex thủ”!
Một số bình luận của cộng đồng mạng:
– “Mình thích cách thể hiện như này, vui vẻ mà vẫn khiến người khác ngưỡng mộ”.
– “Nhiều bài đăng bổ ích thật, thấy Việt Nam mình nhiều người giỏi ghê”.
– “Flex đạt tầm cao mới rồi. Không phải khoe khoang nữa mà đều là những điều xứng đáng được nhiều người biết đến”.
Trào lưu “flex” có thể gây ra áp lực đồng trang lứa?
Tuy nhiên, xét về mặt tiêu cực, trào lưu này cũng có thể khiến gia tăng áp lực đồng trang lứa (peer pressure) và cũng là con dao hai lưỡi. Nó giúp các bạn trẻ nỗ lực nhưng một khi áp lực trở thành gánh nặng, nó sẽ ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của các bạn trẻ rất nhiều.
Chẳng hạn như, khi đọc được những “màn flex” – chia sẻ về sự thành công, khoe tài sản, thành tích, bên cạnh những cá nhân cảm thấy sẽ có động lực phấn đấu để chinh phục được đích đến. Nhưng cũng có những cá nhân lại cảm thấy áp lực trở thành gánh nặng. Họ cảm thấy kém cỏi, vô dụng bởi nhìn đâu cũng thấy người thành công và hạnh phúc hơn mình.
Những thành tích to thật to như 9.0 ielts, học bổng này kia, chiến tích các kiểu, người ta chắc chắn xứng đáng được khoe, được tự hào vì đó là sự nỗ lực sau nhiều năm phấn đấu rồi. Nhưng những thứ bé tẹo như cố gắng tìm ra bản ngã của mình, cố gắng hoàn thành bài luận văn dù đang ốm, cố gắng có một công việc tốt dù bản thân học trái ngành, cố gắng tốt nghiệp THPT dù ai cũng bảo bạn học dốt.
Tất thảy mọi thay đổi bé tẹo đó, cũng hoàn toàn xứng đáng được tự hào.
Những thước đo mà chúng mình hay đưa ra để so kè với nhau, thực ra nó khập khiễng lắm. Khập khiễng và khác biệt ngay từ lúc “vừa sinh ra”. Vì vạch xuất phát khác nhau, môi trường khác nhau, thái độ khác nhau, chắc chắn sẽ đưa mình đến những “chiếc đích” khác nhau. Vì vậy, chỉ nên nhìn và học, chứ không phải để tự ti cuộn mình.
Bản thân mình luôn giữ vững suy nghĩ, cho dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, mình chỉ cần so sánh mình với bản thân ngày hôm qua. Mình tốt hơn, nghĩa là đã tự hào, đáng flexing lắm rồi!
Trong thực tế, không ai là không có giai đoạn bị áp lực từ bạn bè. Càng trưởng thành, áp lực vô hình này lại càng lớn theo. Do đó, chính mỗi người phải học cách dùng mạng xã hội nói chung hay quan sát, theo dõi trào lưu ‘flex” nói riêng để không bị áp lực từ “ánh hào quang” của cuộc đời người khác. Theo đó, phải chọn lọc thông tin, nhìn nhận vấn đề, hiểu bản chất cuộc sống hiện tại mà mình đang có, biết thế nào là vừa đủ, tận hưởng những giá trị tích cực mình đang sở hữu.
Tuy nhiên, nếu dần trở nên tiêu cực, cảm thấy áp lực trở nên trầm trọng, hãy cân nhắc ẩn những bài đăng có nội dung tương tự để “cách ly” với trào lưu này. Bởi nếu vẫn tham gia, theo dõi, quan sát quá lâu, quá nhiều và dường như lệ thuộc vào bất kỳ yếu tố nào liên quan đến mạng xã hội thì rất dễ bị chi phối, tạo cảm xúc không tốt.
Ngoài ra đối với những cá nhân tham gia trào lưu flex, hãy là những người “tiếp thị bản thân” một cách chân thật, tinh tế, tránh vượt qua ranh giới dẫn tới thái cực “khoe mẽ”, gây khó chịu và đánh mất thiện cảm của người khác đối với bản thân mình.