Chuyên mục
Nếu bạn chưa xem Elemental (Xứ Sở Các Nguyên Tố) thì mình khuyên bạn hãy dừng lại ở đây và ra rạp xem thử nó nhé. Còn nếu bạn đã xem thì ở lại cùng mình và chúng ta sẽ phân tích một vài thông điệp của bộ phim này dưới góc nhìn của một… người lớn. Let’s go!!
Điểm mạnh dễ thấy của Pixar không chỉ ở riêng Elemental mà trong bất cứ dự án nào khác trước đây, điểm mạnh chính là cách xây dựng thế giới riêng của nhân vật.
Với Elemental, bối cảnh chính diễn ra ở khu đô thị sầm uất, nơi mà 4 “gốc” nguyên tố theo quan niệm phương Tây gồm Khí, Đất, Nước và Lửa cùng chen chúc sống với nhau. Gọi là chen chúc vì mô hình ở Xứ sở nguyên tố khá hoành tráng, nhưng vẫn tù túng, nghẹt thở bởi lượng cư dân cực lớn chiếm trọn mọi không gian.
Elemental mang đến một câu chuyện sâu sắc về việc thoát khỏi di sản thế hệ và khám phá bản thân trong một thế giới đầy những cuộc phiêu lưu đang chờ đợi.
Và một trong những yếu tố quan trọng làm nên thành công của Elemental chính là những câu chuyện tạo được sự đồng cảm, câu chuyện về một người nhập cư, sự hy sinh của cha mẹ và việc theo đuổi ước mơ, tất cả được gói gọn trong một tác phẩm nguyên bản, dễ khiến người xem vừa khóc vừa cười.
Trong Elemental có hằng hà sa số những chi tiết ẩn ý, những lối “chơi chữ” thú vị về các nguyên tố. Chẳng hạn như nữ chính tên Ember (than hồng) còn nam chính tên Wade (hành động lội qua sông suối). Hoặc việc chàng nước Wade có nỗi sợ với miếng bọt biển do lúc nhỏ anh từng bị hút vào đó cả tiếng đồng hồ. Kể cả việc cư dân khí (mây) có thể bay, hay các cư dân đất có bản tính khá ôn hòa, thậm chí nhẹ nhàng và… chậm chạp cũng được thể hiện một cách đáng yêu.
Và ở đây, khái niệm “nhập cư” được đạo diễn Peter Sohn thể hiện khá tinh ý, nhất là qua hình ảnh của gia đình Lửa, họ được ẩn dụ rất tự nhiên về một gia đình nhập cư vừa đặt chân đến miền đất hứa. Vì trong các nguyên tố, lửa gần như “khắc” với phần còn lại: khiến nước sôi, khiến khí nóng lên, khiến đất khô cằn.
Điều này được thể hiện trong mọi chi tiết về cuộc sống của gia đình Lửa:
– Họ có ngôn ngữ riêng.
– Họ từng sống ở nơi bị tàn phá bởi thiên tai (vùng đất lửa), giống như hệ quả của biến đổi khí hậu. Họ phải tìm đến một miền đất mới để mưu sinh.
– Họ quây quần với nhau ở nơi rất giống với Chinatown hay India Square, nơi tách biệt với trung tâm thành phố.
– Bố mẹ Lửa làm những công việc không thể nhập cư hơn, cụ thể là bố bán tạp hóa và mẹ xem bói.
– Gia đình Lửa ăn đồ cay nóng mà những người khác không ăn nổi, điển hình ở đây là than.
– Họ “thắp hương” thường xuyên với một cái lư hương to oạch trong nhà.
– Họ hay bị quy kết những tội xấu xa. Như lúc ở trên tàu điện ngầm, Ember vừa chạm vào quyển sổ đã bị quy là ăn cắp.
Những hình ảnh ẩn dụ không đao to búa lớn, không nhồi nhét, sượng trân. Một phần có lẽ do đạo diễn phim là Peter Sohn là người Mỹ gốc Hàn, nên cũng có thể hiểu được cuộc sống nhập cư thật sự là thế nào.
Cô yêu thương bố mẹ, nỗi sợ lớn nhất của cô là bất hiếu, chính vì điều đó khiến cô luôn phải gồng mình chịu nhiều áp lực để kế thừa cửa hàng tạp hóa, sống trong sự kỳ vọng của bố mình trong khi bản thân không thích và làm không giỏi (hay cáu với khách hàng). Nhưng Ember lại không dám nói với bố về ước mơ thực sự của mình, cô sợ làm bố thất vọng, cô nhận mình thực chất không mạnh mẽ như vẻ bề ngoài.
Ai trong chúng ta chắc chắn cũng sẽ có lúc thấy hoang mang về định hướng cuộc đời như Ember: chọn theo đuổi ước mơ cá nhân hay làm tròn chữ hiếu với cha mẹ? Sau tất cả, nhờ tình yêu, Ember đã lựa chọn không đặt cuộc sống của mình vào những đánh giá, nhận định của người khác.
Câu chuyện của Ember cũng là thứ xảy ra với vô vàn thanh thiếu niên trên toàn thế giới – Những người đang không biết phải định hướng tương lai theo kỳ vọng của phụ huynh hay theo đuổi con đường riêng.
Thật ra bố Lửa không hề thất vọng về Ember:
“Ước mơ lớn nhất của bố không phải con thừa kế cửa hàng. Ước mơ lớn nhất của bố là con.” – Câu thoại này đã giải thích rất nhiều thứ.
Bố Lửa Bernie là một người cha tuyệt vời, ông luôn nói ông sẽ đưa lại cửa hàng cho con khi nào Ember sẵn sàng. Bố không gây áp lực. Áp lực của Ember là do cô tự đặt ra, cô cũng tự vẽ ra những kỳ vọng mà cô nghĩ là của bố.
Vì họ đã không giao tiếp được với nhau, dường như càng là gia đình thì càng khó nói với nhau về những kỳ vọng, ai cũng sợ làm người thân của mình buồn.
Mình rất thích Wade. Chắc đây là nhân vật nam chính khóc lóc nhiều nhất trên màn ảnh. Khóc vì thấy cánh bướm đẹp, khóc vì xúc động trước tình cảm gia đình, khóc vì yêu Ember.
Wade khóc chứ không hề yếu đuối. Anh dám đối mặt với bố Ember, kiên trì đuổi theo thuyết phục Ember đi theo đam mê. Wade đã bước ra khỏi cái khuôn mẫu nam giới mạnh mẽ thì không được khóc, tính cách tốt bụng, dễ thương của anh chàng từ đầu tới cuối cho thấy một chân lý: sự tử tế, chân thành luôn là thứ vũ khí có sức mạnh lớn nhất giúp con người thay đổi.
Elemental là bộ phim hiếm hoi của Pixar khắc họa câu chuyện lãng mạn về tình cảm đôi lứa. Ember và Wade xuất phát là những người “không đội trời chung”, thuộc hai nguyên tố khác nhau, không được phép chạm vào nhau, chứ chưa nói đến chuyện được nảy sinh tình cảm và trở thành người một nhà.
Thế nhưng, định mệnh trớ trêu, họ vô tình gặp nhau và dần phát hiện những tính cách thú vị của nhau. Ember ngỡ ngàng trước cách Wade có thể làm “sóng” cổ vũ tinh thần mọi người, hay Wade nhận ra ngọn lửa sáng tạo bên trong cô gái khó tính. Vốn chưa từng khóc, Ember phải rơi nước mắt khi chàng trai Nước chạm đến cảm xúc sâu kín nhất của cô.
Elemental không có nhân vật phản diện thực sự nào. Hoặc “nhân vật phản diện” ở đây chính là những định kiến, những rào cản xã hội ngăn trở nhân vật chính được sống là chính mình. Đó không chỉ là sự đối lập giữa các nguyên tố mà còn giữa các thế hệ: ước vọng riêng của lớp trẻ với mong muốn con cháu nối nghiệp của cha mẹ.
Khi bố Lửa quỳ xuống chào con gái Ember đi làm xa, cái quỳ gối chúc phúc đó là thứ bố Lửa đã không nhận được từ gia đình mình, nhưng ông quyết định phá cái vòng lặp bất hạnh và chúc phúc cho con gái. Để con gái được đi con đường riêng.
Cảnh phim như mở ra một chân trời mới, nơi con cái có thể thực hiện những ước mơ của mình và bố mẹ vẫn hạnh phúc. Bố mẹ sẽ không đau khổ khi không có con ở bên cạnh. Với một đứa con, còn gì hạnh phúc hơn thế cơ chứ?
Rõ ràng cốt truyện của Elemental khá “căn bản”, diễn biến theo trục thời gian thông thường và không có bất kì “nút thắt” gây sốc nào. Đây có lẽ là sự hy sinh lớn lao của Pixar khi tạo nên sự tranh cãi trái chiều nhưng cần thiết.
Pixar sẵn sàng “tự đốt cháy” bản thân thành tro tàn để rồi có thể mạnh mẽ tái sinh về sau, chiêu đãi khán giả lâu năm bằng một câu chuyện xưa như Trái Đất về chàng trai này yêu cô gái nọ bất chấp khác biệt, cùng sự bùng nổ tự do của tuổi trẻ. Thế nhưng cảm xúc, thông điệp đó mới chính là “Elemental”, nguyên tố cơ bản từng giúp Pixar vươn mầm thành đỉnh cao.
Những thông điệp gần gũi, dễ đồng cảm, Elemental “chạm” vào trái tim khán giả, tạo nên một tác phẩm trọn vẹn cả về hình ảnh lẫn cảm xúc.