Chuyên mục
“Chán việc” là một giai đoạn chung ít nhiều tất cả lứa tuổi đều mắc phải khi đi làm. Liệu rằng, chúng ta có thể làm gì để chẳng may bị sự chán việc nhấn chìm và liệu có cách nào giúp ta tìm lại sự hứng thú với công việc mỗi ngày? Đến lúc ấy, phải nhắc nhở bản thân luôn nhớ rằng “Không có câu trả lời đúng cho tất cả, chỉ là ta phải tìm một cách làm phù hợp để đi tiếp.”
Gần đây không ít thông tin trên mạng xã hội về sự việc hai bạn trẻ nghỉ việc và xóa mất hết dữ liệu trong folder Drive của công ty mà thiệt hại được ước tính lên đến hàng chục tỷ đồng, sau đó công ty không có sự liên hệ xử lý mà đăng hẳn bài post lên trang chính và đưa ra quan điểm rằng “Cẩn thận khi tuyển dụng nhân viên GenZ vì sự thiếu kinh nghiệm trong công việc và cuộc sống”.
Có thể thấy đây không phải là vấn đề ai đúng ai sai, mà vấn đề là ngày nay mọi người đi làm nhưng mang thái độ quá hời hợt và không có trách nhiệm với công việc, cả cách làm việc và bộ phận quản lý nhân sự của công ty đều có lỗi. Các bạn bị chỉ trích trong bài viết cũng quá hời hợt khi không có sự chú ý trong công việc, đồng thời thời đó cũng là biểu hiện của sự chán nản, không có hứng thú đối với công việc, có thể sẽ có nhiều lý do bên ngoài tác động, nhưng từ trong tâm thức người lao động ngày nay có thể thấy rất dễ dàng hình thành sự “chán việc” khi không có đủ đam mê, động lực trong công việc.
Bạn có đang “chán việc” ?
Sự chán nản trong công việc là một tình trạng thường gặp và ảnh hưởng đến nhiều người, không phân biệt tuổi tác hay cấp bậc công việc. Khi bạn bị chán nản, công việc trở nên đơn điệu, thiếu hứng thú và không còn mang lại sự hài lòng như trước đây. Cảm giác này có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, từ môi trường làm việc không thích hợp, không có sự vui vẻ hay là quá toxic, mặt khác do tình trạng stress quá mức, quá áp lực từ cấp trên, từ đối tác, từ khối lượng công việc, công việc không đáp ứng đam mê, cảm thấy bản thân không đi đúng hướng vì đã chọn sai nghề, không đạt được mục tiêu, cho đến sự thiếu định hướng và khó khăn trong việc thăng tiến.
Tuy sự chán nản là điều khá phổ biến, nhưng không nên coi thường nó, bởi nếu không được giải quyết kịp thời, nó có thể dẫn đến tình trạng kiệt sức tinh thần và ảnh hưởng đến hiệu suất công việc cũng như sức khỏe tổng thể của bạn, gây ra cản trở lớn trên con đường làm việc và con đường tiến tới thành công trong cuộc sống mỗi người.
Để hiểu rõ hơn về sự chán nản trong công việc, ta cần tìm hiểu nguyên nhân và dấu hiệu của tình trạng này. Người ta thường trải qua sự chán nản khi công việc trở nên đơn điệu và lặp đi lặp lại, khi không còn cảm nhận được sự tiến bộ hay đóng góp ý nghĩa vào công việc. Dấu hiệu của sự chán nản có thể bao gồm sự mất hứng thú, thiếu sự tập trung, cảm giác mệt mỏi thường xuyên, thậm chí là sự không chú trọng và lờ đi công việc. Cứ tưởng tượng vào một buổi sáng thức dậy, bạn cảm thấy sáo rỗng, không có động lực để ra khỏi nhà đi làm, bạn ngán ngẩm khi phải bắt đầu một ngày mới cùng công việc mà bạn “phải” làm như những ngày trước và cả những ngày sau này của bạn. Chính là như vậy, sự chán nản chỉ từ bé tí tẹo mà từ từ phát triển triển dần, khiến bạn ngày càng mất đi hứng thú trong công việc và nghĩ xem, chán nản đến vậy rồi thì liệu bạn có tạo ra được giá trị cũng như chất lượng trong công việc nữa không ?
Và để vượt qua sự chán nản trong công việc, đề xuất bạn cần tìm kiếm những giải pháp thay đổi tích cực để làm mới lại cuộc sống, làm mới công việc và tìm ra đúng định hướng nghề nghiệp cho bản thân. Dưới đây là một số cách tôi nghĩ sẽ được giúp bạn tìm lại sự hứng thú và đam mê trong công việc:
Khám phá sự đa dạng trong công việc
Tìm hiểu và khám phá các lĩnh vực nghề nghiệp mới: Đôi khi, việc thử sức ở các lĩnh vực mới có thể mở ra cơ hội và đem lại niềm vui mới cho công việc. Hãy chủ động tìm hiểu về những công việc khác, tìm hiểu thêm về sở thích nào của bạn phù hợp với đam mê và khả năng làm việc của bạn, từ đó tạo ra sự mới mẻ và hứng thú trong công việc hàng ngày.
Thử nghiệm và mở rộng khả năng cá nhân để tìm kiếm nghề nghiệp phù hợp với bản thân: Việc mở rộng các kỹ năng cũng tỉ lệ thuận với việc nâng cao năng lực của bản thân có thể giúp bạn tìm ra những công việc mới thú vị hơn và mang lại cảm giác đóng góp ý nghĩa hơn cho bản thân và cộng đồng. Bạn có thể tìm hiểu và tham gia các khóa học về các kỹ năng mà bạn cảm thấy có hứng thú như là ngoại ngữ, tin học, khóa học về chuyên ngành nào đó, … để bạn tìm được niềm yêu thích và nảy ra ý tưởng về công việc mới phù hợp với chính con người bên trong của bạn.
Xác định mục tiêu và tạo động lực trong công việc để chống sự chán nản
Đặt mục tiêu rõ ràng và có ý nghĩa thật sự với chính mình: Hãy xác định rõ những gì bạn muốn đạt được trong công việc, những vị trí, sự thăng tiến và giá trị bạn muốn nhận được trong công việc, từ đó đặt ra những mục tiêu cụ thể, có ý nghĩa và từng bước thực hiện hoàn thành mục tiêu. Mục tiêu giúp bạn có hướng đi, định hướng công việc và tạo ra động lực để vượt qua khó khăn, chỉ cần bạn luôn nhớ rằng không được phớt lờ mục tiêu cũng như hướng đi của mình.
Tạo động lực bằng cách tìm hiểu giá trị cá nhân và sự hài lòng từ công việc: Hãy nhìn lại công việc và đánh giá những gì bạn đã đạt được và đóng góp cũng như những gì đã nhận được và cho đi. Tìm hiểu những giá trị mà công việc đã mang lại cho bạn như lương thưởng, kiến thức, mối quan hệ, .. hãy “enjoy” khi cảm nhận sự hài lòng và niềm vui khi đóng góp vào mục tiêu chung của tổ chức hay xã hội.
Tạo môi trường làm việc tích cực để tăng động lực làm việc
Xây dựng mối quan hệ tốt với đồng nghiệp: Môi trường làm việc tích cực bắt đầu từ việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp. Hãy cố gắng ít nhất là “hoan hỉ” với đồng nghiệp xung quanh bởi vì họ thật sự sẽ gắn bó với bạn mỗi ngày trong một thời gian dài, tạo ra không gian hòa đồng, hỗ trợ lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm và ý tưởng để cùng nhau trải qua những thử thách và thành công trong công việc.
Tìm kiếm sự hỗ trợ và phát triển từ leader, công ty hoặc tổ chức: Thỉnh thoảng, bạn cần tìm đến sự hỗ trợ từ leader, cấp trên, hay các tổ chức đào tạo để phát triển kỹ năng và năng lực của mình. Sự động viên và hỗ trợ từ những người có tư duy và kinh nghiệm đi trước chính là yếu tố quan trọng giúp bạn vượt qua sự chán nản và tiếp tục phát triển trong công việc.
Mental health – chăm sóc sức khỏe tinh thần rất quan trọng
Để duy trì động lực và không bị chán nản bản thân, việc quản lý thời gian và tạo cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân rất quan trọng. Dưới đây là những gợi ý giúp bạn chăm sóc bản thân và tăng cường sức khỏe tinh thần:
Tìm hiểu và phát triển sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân: Để không bị quá tải công việc và giữ cho tâm lý luôn sảng khoái, bạn cần tạo ra lịch trình hợp lý giữa công việc và thời gian dành cho gia đình, bạn bè và các hoạt động giải trí cá nhân.
Quản lý thời gian và tạo lịch trình làm việc hợp lý: Xác định những nhiệm vụ quan trọng và ưu tiên công viên sao cho hợp lý, tránh tình trạng quá tải công việc và thời gian làm việc quá nhiều nhưng không mang lại được hiệu quả tương xứng.
Tìm hiểu về cách xây dựng tâm lý vững và chăm sóc sức khỏe tinh thần: Hãy thử tìm hiểu các hoạt động như thiền, yoga, tập luyện hay thư giãn theo cách bạn muốn sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc duy trì tâm lý vững vàng, giảm căng thẳng và tạo năng lượng tích cực trong công việc và cuộc sống. Có một sự thật có thể bạn chưa biết, những vị lãnh đạo hay những nghệ sĩ trong ngành giải trí thường dành ít nhiều thời gian cho các hoạt động chăm sóc mental health để giải tỏa bản thân, giúp họ luôn có một tinh thần thoải mái để vững vàng bước qua mọi chặng đường cũng như yêu bản thân nhiều hơn.
Sự chán nản trong công việc là một thử thách tồn tại và cần được đối mặt một cách thông minh và tích cực. Bằng việc tìm kiếm giải pháp thay đổi, xác định mục tiêu, tạo động lực và xây dựng môi trường làm việc tích cực, chúng ta có thể vượt qua giai đoạn chán nản và tìm lại sự hứng thú, niềm đam mê với công việc mỗi ngày. Đồng thời, việc tự trân trọng và chăm sóc bản thân, giữ cân bằng giữa cuộc sống và công việc cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giữ cho tâm hồn luôn tươi mới và đôi chân luôn bước đi vững chắc trên con đường sự nghiệp.