Chuyên mục
Câu chuyện “cô giáo túm cổ áo kéo học sinh” vì nữ sinh không đặt bánh sinh nhật đúng cửa hàng cô giáo chủ nhiệm chỉ định gây xôn xao dư luận. Chỉ vì đặt bánh sinh nhật sai ý cô giáo chủ nhiệm, nữ sinh đã quỳ xuống khóc ở cửa lớp và bị cô giáo túm cổ áo, kéo lên.
Theo báo cáo của nhà trường gửi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội hôm 30.9, nguyên nhân của vụ việc là học sinh đặt bánh sinh nhật chưa đúng theo yêu cầu của cô giáo chủ nhiệm. Em học sinh biết sai nên quỳ xuống xin lỗi cô, khóc lóc, van xin được tha thứ.
Ông Nguyễn Duy Hiền – Hiệu trưởng Trường THPT Đa Phúc (Sóc Sơn, Hà Nội) khẳng định, không có chuyện cô giáo bạo lực hay mâu thuẫn với học sinh. Lúc đó sức khỏe em không được tốt nên em đã nằm xuống nền nhà, cô giáo nói học sinh đứng lên nhưng em không đứng được. Cô giáo trong lúc nóng giận đã có động tác chưa phù hợp là kéo học sinh đứng dậy.
Sau vụ việc, học sinh đã nhận lỗi, nhà trường đã kiểm điểm, luân chuyển vị trí công tác với cô giáo có hành vi ứng xử nêu trên.
Đọc thêm: TP HCM ra công văn khẩn chấn chỉnh về việc thu quỹ lớp 310 triệu đồng
Là một nhà giáo, tôi cảm nhận lời giải thích của thầy hiệu trưởng chưa hợp lí, chưa nhìn nhận sự thật của vấn đề, còn bao che việc làm sai của cô giáo.
Dù trong mọi trường hợp, dù học sinh mắc lỗi ra sao, khi em học sinh quỳ xuống sàn nhà và cầu xin tha thứ (theo như trong clip), thì cô giáo phải sẵn sàng khoan dung, tha thứ cho học trò. Đồng thời, khi phát hiện em học sinh có vấn đề về sức khoẻ, cần đưa em học sinh đến gặp Ban Tư vấn tâm lý học đường, cùng “lắng nghe, thấu hiểu, cùng hành động”. Đó mới là giáo dục kỉ luật tích cực trong nhà trường. Rõ ràng, cách hành xử của cô giáo là phản giáo dục.
Nếu cô giáo trong clip đáng trách 1 thì thầy hiệu trưởng càng đáng trách gấp nhiều lần khi chưa đánh giá khách quan, đúng sự thật, để rút ra bài học kinh nghiệm ứng xử chuẩn mực trong trường học và có biểu hiện bao che cho cái sai.
Chúng ta đang cố gắng xây dựng trường học hạnh phúc, thầy cô cần tạo môi trường để các em được học tập, vui chơi an toàn, an tâm. Hành vi cô giáo túm cổ áo học sinh kéo, ở cửa lớp học, xuất phát từ việc cô giáo này chưa biết cách kiềm chế bản thân và xử lý tốt tình huống sư phạm.
Đọc thêm: “Người tình tin đồn” của Mỹ Tâm, từ vô danh đến đế chế nghìn tỷ
Giáo viên là người trực tiếp dạy dỗ học sinh, chính vì vậy, mọi việc làm của giáo viên phải chuẩn mực để làm gương cho học trò, xây dựng môi trường ứng xử văn hoá, lành mạnh.
Hành vi túm cổ áo kéo lê học sinh của cô giáo chủ nhiệm lớp 12D4, Trường THPT Đa Phúc có thể xem là một dạng của bạo lực học đường, cần lên án, ngăn chặn kịp thời để các em mỗi ngày đến trường là một ngày vui thật sự.
Đừng để chỉ vì việc mua chiếc bánh không đúng chỗ cô yêu cầu mà dẫn đến việc mất kiềm chế cảm xúc, thiếu khoan dung, tình thương trách nhiệm đối với học sinh, nhất là nhà trường lại nhìn nhận học sinh cũng có lỗi chỉ vì mua chiếc bánh không đúng ý của giáo viên.