Chuyên mục
Đều mang vinh quang về cho Thanh Hóa nhưng số tiền thường lại khác nhau, quán quân Olympia Xuân Mạnh được thưởng tiền gấp đôi HCV Olympic Quốc tế: Liệu có bất công?
Trở thành Quán quân Đường lên đỉnh Olympia, Lê Xuân Mạnh nhận được giải thưởng lớn nhất từ trước tới nay bao gồm vòng nguyệt quế mạ vàng 24k và giải thưởng trị giá 50.000 USD.
Chưa dừng lại, ngay khi trở về quê nhà, Lê Xuân Mạnh tiếp tục được UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức lễ tuyên dương và trao thưởng.
Tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng và Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn đã trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh và phần thưởng 200 triệu đồng cho em Lê Xuân Mạnh; trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 1 tập thể và 6 cá nhân Trường THPT Hàm Rồng có nhiều thành tích trong việc hướng dẫn em Lê Xuân Mạnh đạt ngôi vị quán quân trong cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm 2023.
Ngoài ra, Hội Khuyến học tỉnh Thanh Hóa cũng trao thưởng 60 triệu đồng cho Quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 23 Lê Xuân Mạnh.Câu chuyện tỉnh Thanh Hóa thưởng thêm cho Quán quân Olympia 200 triệu đồng gây nên luồng tranh cãi. Có ý kiến cho rằng Đường lên đỉnh Olympia chỉ là một gameshow truyền hình, điều này bất công với học sinh đạt Huy chương vàng Olympic Quốc tế chỉ được thưởng một nửa với mức 100 triệu đồng.Trao đổi vấn đề này với báo chí, ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở GDĐT Thanh Hóa cho hay: “UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định trao thưởng cho em Lê Xuân Mạnh 200 triệu đồng ngay sau khi em trở về từ cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia. Quyết định này được thực hiện theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân. Các giải thưởng được trao đều có căn cứ, quy định rõ ràng”.
Theo ông Thức: “Mỗi cuộc thi có tính chất, ý nghĩa, vị trí, vai trò khác nhau. Cuộc thi này lan tỏa, cổ vũ, khích lệ hàng triệu học sinh trên cả nước vượt khó, nỗ lực, cố gắng chinh phục tri thức cùng với hàng triệu người xem trực tiếp. Còn với thí sinh tham dự Kỳ thi chọn học sinh giỏi là những tài năng đặc biệt thuộc về cá nhân, có sức lan tỏa cổ vũ cho các học sinh trở thành nhân tài cho đất nước. Mọi sự so sánh chỉ mang tính tương đối”.
Liên quan đến câu chuyện trên, ông Bạch Ngọc Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam (VVF), nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho hay: “Chuyện khích lệ học sinh có thành tích là tốt vì ở đây không chỉ cho cá nhân em Lê Xuân Mạnh mà còn là nguồn cảm hứng, hiệu ứng mạnh cho hàng triệu học sinh, hàng triệu người theo dõi truyền hình trực tiếp. Đây mới là cái gốc của vấn đề.
Phần thưởng thêm cho chỉ mang mục đích là động lực để các em vươn lên đạt thành tích cao trong học tập và danh hiệu này cũng chỉ là một trong nhiều thành tựu, không phải vô địch Đường lên đỉnh Olympia mới là khẳng định mình. Còn có rất nhiều em đạt những thành tích đáng khâm phục khác. Thưởng bao nhiêu tiền là tùy từng địa phương. Ít hay nhiều không quan trọng mà quan trọng là có thưởng”.
Đồng quan điểm, thạc sĩ Bùi Khánh Nguyên, diễn giả độc lập về giáo dục, cho rằng: “Thưởng cho học sinh đạt các giải thưởng quốc gia, quốc tế đã có quy chế rõ ràng. Tùy theo ngân sách, mục tiêu của từng địa phương sẽ có đánh giá linh hoạt, xét duyệt, cân nhắc ở các mức khác nhau với sự thống nhất của cả tập thể. Tôi nghĩ đây không phải là vấn đề đáng tranh cãi”.
Trước ý kiến “thưởng nóng” xong các thí sinh đi du học rồi ở nước ngoài thì địa phương cũng “không được gì”, thạc sĩ Nguyên khẳng định: “Dù các em có ở Australia hay ở đâu vẫn có thể cống hiến theo một cách nào đó nếu các em muốn. Vì vậy, không phải chuyện sống và làm việc ở đâu mà vấn đề là có muốn cống hiến hay không. Ngay cả ở trong nước mà các em không muốn đóng góp thì xã hội cũng không được hưởng lợi gì. Do vậy hãy tôn trọng lựa chọn cá nhân của các em”.